Friday, June 28, 2024

Dòng tiền đã quay trở lại thị trường bất động sản

Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm “Khơi thông dòng tiền bằng cách nào”, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 29.5.

Theo ông Hoàng Huy, Giám đốc Phòng Nghiên cứu khách hàng tổ chức, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán Maybank, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã bắt đầu quay trở lại, mặt bằng lãi suất thấp cũng khiến người mua mạnh dạn giải ngân hơn trong bối cảnh Chính phủ cho phép các dự án tái khởi động. Khi Nghị định 08 cho phép giãn nợ thêm 2 năm, cũng như các hoạt động hỗ trợ cơ cấu nợ từ phía Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp đã chủ động phát hành cổ phiếu, bán tài sản, giảm đòn bẩy nợ bên cạnh việc thu hút dòng vốn tín dụng nhiều hơn từ cuối năm ngoái đến nay. Ông Huy nhận định, dù chậm nhưng dòng tiền đã quay trở lại và điểm tồi tệ nhất của thị trường đã qua.

Ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc KCN Việt Nam, đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài yếu tố khách quan như xu hướng chuyển dịch sản xuất, cũng cần ghi nhận sự tích cực đến từ chính sách của Chính phủ giúp thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Dòng tiền đã quay trở lại thị trường bất động sản- Ảnh 1.

Thị trường hồi phục, dòng tiền cũng đã quay trở lại

ĐÌNH SƠN

Là đơn vị quản lý trực tiếp lĩnh vực tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM nhận định, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang có những điểm tích cực trong đó tháng 4 vừa qua tăng cao nhất. Tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn TP.HCM cuối tháng 4 tăng 1,6% so với cuối năm ngoái, phần lớn đến từ người vay mua để ở, chiếm 68%. Lý do một phần đến từ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, một phần từ hiệu ứng chính sách, thực thi một số luật mới giúp khắc phục những tồn tại.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo các chuyên gia, thị trường vẫn đối diện với nhiều khó khăn khi các quy định mới trong các bộ luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thừa nhận, các doanh nghiệp vẫn đang khó tiếp cận vốn ngân hàng. Khó khăn tiếp theo là thị trường vẫn chưa thật sự hồi phục mạnh về giao dịch. Nên cần thêm các giải pháp phi tín dụng để tháo gỡ cho hoạt động tín dụng liên quan.

Từ góc độ người đi vay, theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay các khoản vay cũ lãi suất vẫn còn rất cao. Vì thế, chỉ khi nào nhà đầu tư xuống tiền thì thị trường mới hồi phục cơ bản và bền vững

Để khơi thông dòng vốn vào bất động sản, ông Trương Khắc Nguyên Minh cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi hơn, cũng như kỳ vọng việc đẩy nhanh các dự án công, liên kết ngành, từ đó giúp giảm thiểu chi phí logistics và nâng cao sức cạnh tranh.

Còn theo ông Hoàng Huy, các giải pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp hiện nay tập trung chủ yếu ở các giải pháp tình thế từ đàm phán gia hạn trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh tập trung vào tín dụng ngân hàng. Một giải pháp khác đang được đẩy mạnh là tăng cường huy động thêm vốn, tức tăng vốn chủ sở hữu. Theo thống kê, doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang có kế hoạch phát hành lượng vốn kỷ lục.

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, khi một dự án đầy đủ hồ sơ pháp lý, thì các ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng và luôn tìm cách tiếp cận để cho vay. Các tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng đáp ứng vốn của doanh nghiệp, miễn là dự án đủ điều kiện.



Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img