Nhiều TikToker, YouTuber bất chấp tất cả để “bu” vào những đám tang nhằm quay video, đăng lên các nền tảng mạng xã hội kiếm view. Vấn nạn phản cảm này khi nào mới dừng lại?
Dù người nhà của Đ. bức xúc, yêu cầu những “nhà sáng tạo nội dung” rời khỏi đám tang nhưng một số TikToker, YouTuber vẫn nhốn nháo, tìm mọi cách để livestream (phát trực tiếp).
Sự việc này không ngoại lệ. Ngược lại, câu chuyện YouTuber, TikToker chen lấn để livestream ở các đám tang đã trở nên phổ biến suốt thời gian qua. Đặc biệt là ở những đám tang của người nổi tiếng.
Người viết từng chứng kiến trực tiếp cảnh giới TikToker, YouTuber chen lấn, xô đẩy lẫn nhau ở đám tang của nghệ sĩ V.L. YouTuber Đ.V quay toàn bộ lễ tang và bắt đầu bằng câu nói: “Xin chào mọi người. Mình đang có mặt ở đám tang của V.L đây. Mọi người muốn coi cảnh gì thì để lại comment (bình luận). Cũng đừng quên like (yêu thích) và share (chia sẻ) livestream này nhé…”.
Tương tự, hàng chục “nhà sáng tạo nội dung” cũng hành động y chang, chĩa điện thoại, máy quay vào lễ tang để ghi hình. Nhiều nghệ sĩ đi viếng thở dài, lắc đầu, bày tỏ sự ngán ngẩm.
Một ca sĩ nổi tiếng bức xúc: “Không hiểu vì sao họ (tức TikToker, YouTuber) lại trơ trẽn đến mức kiếm view từ chuyện buồn của gia đình người khác? Sáng tạo nội dung là như thế sao?”. Cũng theo ca sĩ này, anh đã từng chứng kiến câu chuyện tương tự ở các đám tang của nhiều cố nghệ sĩ khác như: A.V, C.T, M.P…
Người nhà của nghệ sĩ V.L cho biết trong những ngày diễn ra lễ tang, các TikToker, YouTuber hầu như túc trực 24/24. Mọi động tĩnh từ đám tang đều được phát trên các nền tảng mạng xã hội với hàng loạt tiêu đề sai sự thật. Dù gia đình đã dùng đủ mọi cách, từ yêu cầu cho đến “năn nỉ các bạn đừng quay phát lên mạng” nhưng không ít YouTuber, TikToker vẫn mặc kệ, ngó lơ lời đề nghị.
Người viết thắc mắc: “Có cảm thấy việc quay phim ở những đám tang để trục lợi là bất nhẫn, phản cảm hay không?”, YouTuber H.T đã trả lời ngắn gọn: “Kệ! Có view là được”. YouTuber này cũng cho biết sau đám tang của cố nghệ sĩ C.T, kênh YouTube của anh từ vài chục người theo dõi đã lên gần 47.000 thành viên đăng ký kênh.
TikToker S.L không ngần ngại lý giải vì sao thường “sản xuất” các video ở đám tang người nổi tiếng với những dòng tít sai lệch: “Chủ yếu là để kích thích sự tò mò nhằm tăng tương tác cho kênh, thu hút người khác bấm vào xem”. TikToker này cũng nói đã từng nhận nhiều chỉ trích, cả trực tiếp (tại đám tang) lẫn gián tiếp (qua các bình luận của dân mạng) rằng “quá lố bịch, trơ trẽn, mất lịch sự…”. Tuy nhiên, thay vì dừng lại, thì S.L vẫn chưa hề bỏ lỡ bất kỳ đám tang của người nổi tiếng nào ở TP.HCM suốt 2 năm qua, như chính thừa nhận của anh.
Lại có không ít TikToker, YouTuber khoe rằng “mình đã có những video đám tang triệu view”, và tự hào khi thường xuyên “trực chiến” ở các đám tang của những nghệ sĩ quá cố.
Chuyên gia tâm lý đang là lãnh đạo một trường đại học ở TP.HCM, cho biết rất bức xúc với một bộ phận TikToker, YouTuber, Facebooker khi tìm cách “câu view”, “câu like” ở những đám tang người nổi tiếng.
“Thật khó dùng từ chính xác để nói về những người ấy. Chỉ có thể nói việc livestream ở đám tang, tạo nên những cảnh chen lấn, xô đẩy, hò reo… ở nơi cần sự tôn nghiêm, cùng với đó là những bình phẩm phản cảm, gây phiền hà cho người đến viếng… là trái ngược với văn hóa đạo đức, thuần phong mỹ tục. Cần phải lên án vấn nạn xấu xí này”, vị này nói.
Để loại bỏ những hành vi phản cảm đã và đang tồn tại, thậm chí có chiều hướng gia tăng này, thiết nghĩ đã đến lúc cộng đồng mạng cần tẩy chay những kênh TikTok, YouTube kiếm tiền bất chấp từ các video đám tang.
Có thể bấm hủy theo dõi nếu phát hiện các kênh đang trục lợi từ các đám tang. Cũng có thể báo cáo với TikTok, Facebook, YouTube khi thấy các video có những dòng tiêu đề gây sốc, xuyên tạc, bóp méo sự thật, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, xâm phạm quyền riêng tư, hình ảnh cá nhân người khác… Chứ đừng vì sự tò mò, hiếu kỳ mà vô tình cổ xúy cho những TikToker, YouTuber bất nhẫn.
Với những TikToker, YouTuber đã từng hoặc đang có ý định kiếm view từ các đám tang, hãy hiểu rằng “sáng tạo nội dung” không phải là khai thác hình ảnh từ người quá cố. Cuộc sống có “hằng hà sa số” những nội dung, chủ đề khác để chuyển tải thông tin. Cớ sao lại vì lợi ích thấp hèn, muốn thỏa mãn nhu cầu kiếm view mà bất chấp danh dự, mặc kệ sự phản ứng gay gắt của nhiều người để livestream đám tang, trục lợi từ nỗi đau của người khác? Những “nhà sáng tạo nội dung” cần phải trang bị cho bản thân văn hóa tôn trọng người đã khuất và người thân của họ.
Còn bạn, có hiến kế gì để ngăn chặn vấn nạn TikToker, YouTube livestream để trục lợi ở các đám tang, xin mời để lại bình luận dưới bài viết!
Nguồn: thanhnien.vn