Tuesday, November 26, 2024

Châu Âu tụt hậu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo

Tòa Kiểm toán châu Âu mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng Liên minh châu Âu đang tụt hậu quá xa so với Mỹ trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo.

Kết luận của Tòa Kiểm toán châu Âu chỉ ra 3 lý do chính, đó là: đầu tư cho trí tuệ nhân tạo không đủ nhiều, những dự án nhận đầu tư không được quản trị một cách có hệ thống và hợp tác trong lĩnh vực này giữa các nước thành viên còn thiếu hiệu quả.

Tòa Kiểm toán châu Âu nhấn mạnh, một nguy cơ đang dần trở thành hiện thực. Không những châu Âu khó có thể nổi lên hàng đầu thế giới trong phát triển trí tuệ nhân tạo mà những ý tưởng sáng tạo của châu Âu trong lĩnh vực này còn đang bị Mỹ thâu tóm.

Trí tuệ nhân tạo đang là một ván bài lớn, bao hàm cả yếu tố địa chính trị. Trong cuộc đua này, ai thắng sẽ ăn tất, người thua phải chịu lệ thuộc. Lúc này, Mỹ đang lấn át khi OpenAI sử dụng công nghệ Mỹ, Nvidia sản xuất chip cũng của Mỹ, Microsoft hay Google đang đầu tư cực mạnh vào trí tuệ nhân tạo cũng là doanh nghiệp Mỹ. Không có một tên tuổi châu Âu nào thực sự nổi bật trong xu hướng trí tuệ nhân tạo.

Ông Markus Beckendahl – đồng sáng lập Lễ hội Kỹ thuật số Re:Publica (Đức) – cho rằng: “Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra nhưng trí tuệ nhân tạo cũng làm cho quyền lực ngày càng dồn vào trong tầm kiềm toán của một số ít công ty”.

Các nước châu Âu không thua kém trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Vấn đề là để biến ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm mang lại lợi nhuận thì người Mỹ vẫn giỏi hơn. Thế mạnh của châu Âu trong lĩnh vực này chỉ được hiện thực hóa trong mảng chip bán dẫn. Thống trị ngành sản xuất chip trên toàn thế giới là một công ty Hà lan.

Bên cạnh đó, vấn đề còn là vốn. Tòa Kiểm toán châu Âu nêu rõ, trí tuệ nhân tạo là một công nghệ mang tính cách mạng sâu sắc cho nên hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực này sẽ là yếu tố quyết định sức mạnh tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Châu Âu đã đi đầu thế giới khi đưa ra đạo luật trí tuệ nhân tạo và đạo luật chip bán dẫn. Nhưng tiền đã không theo sau luật. Trợ cấp từ công quỹ cho doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo cho đến nay vẫn quá ít ỏi so với Mỹ.

Ông Nicolas Schmit – Ủy viên châu Âu về Việc làm – cho biết: “Công nghệ chính là tăng trưởng. Công nghệ là tăng trưởng kinh tế nhưng cũng là tiến bộ xã hội. Tôi nghĩ châu Âu đang tụt hậu trong nhiều lĩnh vực và giải pháp duy nhất là đầu tư nhiều hơn. Chính sách thắt lưng buộc bụng không giúp ích gì cả mà phải là chính sách đầu tư”.

Liên minh châu Âu cũng khác Mỹ ở chỗ không có cơ chế theo dõi hiệu quả đầu tư công cho những dự án tư nhân trong lĩnh vực này. Điểm yếu nữa là chưa có cơ chế đóng góp của từng nước thành viên nhằm thiết lập những dự án quy mô. Ba điểm yếu “cốt tử” ấy cũng chính là 3 hướng mà Tòa Kiểm toán châu Âu khuyến cáo: tăng tài trợ công, cải thiện quản trị và hợp tác giữa các nước thành viên.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img