Nhiều năm trở lại đây, người dân xã Bách Thuận (H.Vũ Thư, Thái Bình) đang phải gồng mình chịu đựng sự ô nhiễm do việc xả thải từ các trang trại chăn nuôi lợn. Chủ trương phát triển du lịch cộng đồng cũng phá sản vì trại lợn gây ô nhiễm.
Những năm 2005 – 2010, Tỉnh ủy Thái Bình có nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, do địa hình xen canh xen cư của xã Bách Thuận, việc quy hoạch không được thực hiện. Hậu quả là nhiều năm nay, người dân phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường do việc xả thải từ các trang trại lợn trên địa bàn.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nước trên con kênh N2 xã Bách Thuận đen đục, phía trên phủ lớp bèo tây dày đặc, um tùm, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Dù quanh xã là những vườn hoa, cây cảnh ngút ngàn với không gian xanh mát nhưng vẫn không thể át đi được mùi hôi hằng ngày tấn công khứu giác người dân trong xã.
Ông Nguyễn Văn Tuân (65 tuổi, trú xã Bách Thuận) bức xúc: “Trên địa bàn hiện có khoảng 7 trang trại nuôi lợn với số lượng lớn. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, các trang trại này còn nhiều lần xả thải trực tiếp ra kênh mương. Vì thế, con kênh lúc nào nước cũng đen đặc”.
Theo ông Tuân, N2 là kênh tiêu thoát nước của xã Bách Thuận. Nước từ kênh chảy qua cống Tân Đệ, sau đó chảy qua địa phận xã Tân Lập rồi đổ ra sông Kiến Giang (thường gọi là sông Pari). Nhưng xã Tân Lập có địa hình trũng, nếu mở cống Tân Đệ, nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân xã Tân Lập, nên từ lâu người dân xã này đề nghị chính quyền đóng cống, ngăn dòng nước thải tràn qua. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm tại xã Bách Thuận càng thêm trầm trọng.
Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập (H.Vũ Thư), cho biết người dân và chính quyền xã rất bức xúc trước việc xả thải gây ô nhiễm từ nhiều trang trại lợn tại xã Bách Thuận. “Đây là vấn đề nóng trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Vừa qua, trước kiến nghị của nhân dân, Xí nghiệp khai thác thủy nông H.Vũ Thư đã chỉ đạo đóng cửa cống Tân Đệ, ngăn chặn dòng nước ô nhiễm từ Bách Thuận chảy qua”, ông Tâm cho biết.
Phần lớn là phát triển tự phát
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khi Tỉnh ủy Thái Bình có nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các sở ngành hướng dẫn người chăn nuôi lợn xây hầm bioga. Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình hỗ trợ kinh phí để người dân thực hiện. Mỗi hầm bioga khoảng hơn 10 khối.
Hầm bioga đã phát huy được hiệu quả trong việc làm khí đốt phục vụ sinh hoạt của người dân. Nhưng sau một thời gian, số lượng đàn lợn tăng thêm, người dân thay vì nấu cám đã đổi sang cho lợn ăn cám công nghiệp, khiến hầm bioga quá tải, trong khi chất thải được đổ ra môi trường, gây ô nhiễm.
Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận, thông tin tình trạng ô nhiễm từ trang trại chăn nuôi của địa phương từ lâu là vấn đề nan giải.
Ông nói: “Xã Bách Thuận đàn lợn chiếm hơn 10% quy mô chăn nuôi của toàn H.Vũ Thư. Từ một xã nuôi lợn với số lượng rất lớn, trải qua trận dịch tả lợn châu Phi và dịch tai xanh, đến nay số lượng lợn nuôi đã giảm đáng kể. Toàn xã hiện còn 23 gia trại (nuôi từ 50 con trở lên) và 7 trang trại (nuôi từ 400 – 500 con trở lên), tổng số 8.000 đầu lợn”.
Từ năm 2005, Bách Thuận đã được định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Nhưng thời điểm đó ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Sau khi thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thái Bình, Bách Thuận tiếp tục xúc tiến lại mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Ông Nguyễn Kim Sáu cho biết, xã có 9 thôn, 4 làng, trong đó có 4 thôn người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng cây hoa, cây cảnh. Từ thực tiễn này, địa phương chủ trương hướng tới mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn xã.
“Chúng tôi đã có đề án phát triển du lịch, chính quyền xã đang làm việc với các cấp, ngành liên quan để hoàn thiện đề án. Địa phương không thể phát triển du lịch sinh thái cộng đồng khi vẫn tồn tại tình trạng ô nhiễm”, ông Sáu khẳng định và cho biết xã Bách Thuận đang từng bước cải thiện, đem lại môi trường xanh – sạch – đẹp, đồng thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ địa phương tìm ra giải pháp để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Thanh Hải, Trưởng phòng TN-MT H.Vũ Thư, thừa nhận qua kiểm tra thực tế cho thấy tình trạng ô nhiễm từ các trại lợn đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con.
Theo ông Hải, xử lý vấn đề môi trường không thể một sớm một chiều, H.Vũ Thư đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Dù vậy, để xử lý triệt để, ông Hải cho rằng, chỉ có một biện pháp duy nhất là kiểm tra, rà soát lại toàn bộ khu vực xây dựng trang trại. Năm 2023, UBND H.Vũ Thư đã thành lập đoàn kiểm tra thực hiện rà soát, kết quả cho thấy phần lớn các trang trại lợn của xã Bách Thuận là tự phát.
“Chúng tôi đã đề xuất phương án cho duy trì hoạt động trang trại nào phù hợp với quy hoạch, đảm bảo đúng, đủ thủ tục về môi trường. Trang trại nào không đảm bảo thì xây dựng kịch bản di chuyển”, ông Hải thông tin.
Vẫn theo lãnh đạo Phòng TN-MT H.Vũ Thư, để nhanh chóng đưa Bách Thuận cán đích nông thôn mới và phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, tỉnh Thái Bình đã có cơ chế hỗ trợ xã Bách Thuận. Cụ thể, trong năm nay, tỉnh đã bố trí kinh phí để nâng cấp, xây dựng tuyến đường giao thông của xã.
Đối với vấn đề môi trường, theo ông Hải, sau khi xã Bách Thuận thực hiện xong tuyến đường, H.Vũ Thư sẽ báo cáo các cấp thẩm quyền để có cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề cho những hộ dân có trang trại… chuyển dịch dần sang mô hình phát triển du lịch.
Ngày 23.11.2023, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với 3 trang trại nằm ven kênh N2. Các trang trại bị xử phạt là của ông Nguyễn Văn Luân (thôn Liên Hồng); ông Nguyễn Văn Cường (quê Nam Định, đang sống và chăn nuôi tại thôn Trung Hòa); ông Nguyễn Văn Điền (trú thôn Toàn Thắng).
Cả 3 trang trại đều không đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi. Mức xử phạt với mỗi chủ trang trại là 2,5 triệu đồng cùng yêu cầu phải giảm đơn vị vật nuôi theo quy mô nông hộ.
Nguồn: thanhnien.vn