Không hẹn mà gặp, tháng 5 nhộn nhịp với nhiều tác phẩm truyền động lực thông qua câu chuyện cá nhân. Ngoài ra, các sách nghiên cứu lịch sử từ quá khứ đến hiện đại cũng trở lại với nhiều tựa sách hấp dẫn, dành cho đa dạng đối tượng.
Là một trong những tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Pháp nổi tiếng với tiểu thuyết Người tình, Đập chắn Thái Bình Dương (tên gốc Un barrage contre le Pacifique) ra mắt vào năm 1950 lấy cảm hứng phần lớn từ thời niên thiếu của chính tác giả ở Đông Dương, do đó cuốn sách mang theo nhiều tính tự truyện.
Tác phẩm lấy bối cảnh thập niên 1900, một đôi vợ chồng trẻ người Pháp xuống tàu thủy sang Đông Dương lập nghiệp với hy vọng đổi đời. Tại mảnh đất thuộc địa, người chồng không may qua đời trong khi hai đứa con sinh ra ở Việt Nam vẫn còn thơ dại. Người vợ bươn chải bằng nghề dạy tư tiếng Pháp và chơi dương cầm suốt 10 năm ở rạp Éden-Cinéma (Sài Gòn), rồi dành dụm tiền mua một khu đất nhượng để trồng lúa. Không tiền lót tay cho quan chức địa chính, bà chỉ nhận được một miếng đất xấu, ngập lụt vào mùa triều cường, chẳng trồng cấy được gì. Trong tác phẩm này, biểu tượng đập chắn như ngụ ý cho những nỗ lực trong tuyệt vọng của con người trước một hệ sinh thái đầy bất trắc, trước sự tàn nhẫn của số phận này…
Ngôi nhà trên phố Mango – Sandra Cisneros
Sandra Cisneros là tác giả người Mỹ gốc Mexico nổi tiếng với những đóng góp cho nền văn học nước nhà và được đón đọc bởi bạn đọc trên khắp thế giới. Tác phẩm đầu tay Ngôi nhà trên phố Mango đã gây được tiếng vang khắp nơi, tác phẩm được giới phê bình ca ngợi, được độc giả mọi lứa tuổi yêu thích, được đưa vào chương trình giảng dạy ở mọi cấp từ tiểu học tới đại học và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Đây là câu chuyện xoay quanh Esperanza Cordero – một cô bé lớn lên tại khu người Mỹ Latinh ở thành phố Chicago. Thông qua một chuỗi câu chuyện lúc thì xót xa lúc thì hài hước, phố Mango hiện lên như là một nơi xập xệ với những nếp nhà ọp ẹp, đồng thời là nơi Esperanza khám phá những sự thật khắc nghiệt của cuộc sống: sự câu thúc của giai tầng và giới, sự ám ảnh của tình trạng thù hằn chủng tộc… Vượt lên khỏi sự vô vọng từ tình cảnh ngột ngạt mà cũng không kém phần đẹp đẽ xung quanh, Esperanza đã tạo lập được cho mình “một ngôi nhà của riêng tôi… yên tĩnh như tuyết, một nơi để bản thân buông hết”.
Ba màn kịch – Jon Fosse
Ba màn kịch là một câu chuyện đầy ám ảnh và đau lòng về tình yêu và bạo lực với những ẩn dụ mạnh mẽ trích từ Kinh thánh, lấy bối cảnh ven biển cằn cỗi, nơi diễn ra hầu hết các tiểu thuyết của Jon Fosse. Trong tác phẩm, Asle và Alida, hai người yêu nhau đang cố gắng tìm phương hướng trong thế giới này. Không nhà cửa và không chỗ ngủ, họ lang thang qua khắp Bergen (thành phố cảng và là di sản thế giới được UNESCO công nhận ở tây nam Na Uy), cố gắng xây dựng cuộc sống cho chính họ và đứa con sắp chào đời.
Thông qua một sự đan kết phong phú các câu chuyện giàu tính lịch sử, văn hóa và thần học, Jon Fosse tạo nên một bài thánh ca hiện đại về sự bất công, đấu tranh, tội ác và sự cứu rỗi. Với tác phẩm này, Jon Fosse đã được trao Giải thưởng Văn chương của Hội đồng Bắc Âu năm 2015. Cuốn sách cũng đã góp phần mang đến giải Nobel Văn chương cho Jon Fosse trong năm 2023 vừa qua.
Động lực và nhân cách – Abraham Maslow
Abraham H. Maslow là một nhà tâm lý học người Mỹ, ông được thế giới biết đến qua mô hình “tháp nhu cầu” nổi tiếng và được coi là cha đẻ của lĩnh vực tâm lý học nhân văn. Cuốn sách này đưa người đọc bước vào một hành trình khám phá bản thân với những phân tích sâu sắc quan điểm của nhiều nhà tâm lý học nổi tiếng như Freud, Jung… đồng thời trình bày quan điểm đột phá của chính tác giả Maslow về nhu cầu của con người.
Khác với các nhà tâm lý học trước mình, Maslow cho rằng các nhu cầu không xung đột lẫn nhau mà được xếp thành một hệ thống phân cấp. Với quan điểm lấy người khỏe mạnh làm trọng tâm nghiên cứu thay vì người ốm bệnh, Maslow không chỉ trả lời câu hỏi “Con người là gì?” mà còn trả lời câu hỏi “Con người sẽ trở thành gì?”.
Câu chuyện nhân loại – Hendrik Willem van Loon
Câu chuyện nhân loại là tác phẩm kinh điển về lịch sử dành cho trẻ em, được viết và minh họa bởi nhà báo, giáo sư và tác giả người Mỹ gốc Hà Lan – Hendrik Willem van Loon, xuất bản năm 1921. Đây là cuốn sách đầu tiên được trao Huân chương Newbery (giải thưởng văn học do Hiệp hội Dịch vụ thư viện cho trẻ em – Mỹ) vì đóng góp xuất sắc cho văn học thiếu nhi.
Thay vì tập trung vào các sự kiện hoặc con người, van Loon đã kể – như ông nói – “một câu chuyện phi nước đại hơn là đi bộ”. Ông tập trung vào những ý tưởng lớn và cắt bỏ bất kỳ chi tiết nào không trực tiếp giúp truyền đạt ý tưởng mà ông đang hướng tới. Ngoài ra, ông cũng đạt được sự cân bằng thú vị giữa việc thể hiện cá tính của riêng mình và cố gắng tỏ ra công bằng và vô tư. Cuốn sách cũng đính kèm theo 77 tranh minh họa do ông tự thực hiện, giúp thu hút sự chú ý của độc giả nhỏ tuổi.
Sự trả thù của quyền lực – Moisés Naím
Sự trả thù của quyền lực đề cập đến các xu hướng, điều kiện, công nghệ, hành vi đang góp phần giúp tập trung quyền lực, đồng thời lật tẩy những thủ đoạn và chiến thuật mà các nhà chuyên chế thế kỷ 21 đã sử dụng để chống lại các lực ly tâm làm phân tán quyền lực với hàng loạt các ví dụ điển hình về thành công hay thất bại của họ. Tác phẩm này góp phần trả lời câu hỏi cốt lõi: tại sao quyền lực lại tập trung ở một số nơi, trong khi ở những nơi khác, quyền lực lại bị phân tán và suy yếu?
Cũng như vi khuẩn kháng được thuốc kháng sinh, quyền lực chuyên chế đang “bắt bài” mọi phương pháp mà các xã hội tự do qua bao thế kỷ đã sử dụng để thuần hóa nó, và giờ quyền lực đang âm mưu trả thù, lấy lại sức mạnh theo cách tinh vi, lén lút. Làm sao để nhận biết nó và tránh mắc phải những sai lầm này, cuốn sách đầy thức thời này sẽ trả lời điều đó.
Những con đường tơ lụa… – Peter Frankopan
Những con đường tơ lụa & những trang sử phi thường tạo nên thế giới là cuốn sách thiếu nhi được viết dựa trên cuốn sách bán chạy Những con đường tơ lụa đồ sộ của giáo sư lịch sử thế giới hàng đầu Peter Frankopan. Tại Việt Nam, sách đã được tái bản đến lần thứ 5. Trong phiên bản mới, sách được in màu toàn bộ trên giấy offset, trình bày trên khổ lớn (24×30 cm) với rất nhiều hình vẽ minh họa ấn tượng bởi họa sĩ minh họa nổi tiếng Neil Packer.
Cuốn sách viết về những con đường phát triển hay mạng lưới kết nối xuyên suốt lịch sử nhân loại nhằm giải thích cho những sự kiện xảy ra trong quá khứ và chúng có liên hệ với nhau ra sao. Sách gồm 16 chương tương ứng với 16 con đường phát triển từ thời cổ đại tới ngày nay của lịch sử nhân loại, như con đường dẫn đến tín ngưỡng, hỗn loạn, đối đầu, chiến tranh, thảm họa, tỉnh ngộ…
Nguồn: thanhnien.vn