Khi trải nghiệm đi trong lòng đất và tìm hiểu về cuộc sống ở địa đạo Củ Chi, du khách sẽ hiểu vì sao nơi đây trở thành hầm căn cứ lịch sử khiến cả thế giới kinh ngạc.
Trước đây, tôi hay nhiều người bạn đã nghe về địa đạo Củ Chi với những đường hầm siêu nhỏ, với sự ngột ngạt khi trải nghiệm đi trong lòng đất. Thế nhưng khi trực tiếp đến đây cảm nhận, chúng tôi mới thực sự ngỡ ngàng trước sức sáng tạo và tinh thần bất khuất của quân và dân Củ Chi ngày ấy.
Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… chia thành 3 tầng sâu khác nhau. Người cán bộ sống trong vùng địch, ban ngày náu mình dưới hầm bí mật, ban đêm mới lên khỏi mặt đất, đi hoạt động. Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Du khách nước ngoài trải nghiệm chui xuống hố ở Củ Chi.
Khi tới di tích, chúng tôi được xem một bộ phim tài liệu 20 phút để hình dung ra mức độ ác liệt của chiến tranh; nhịp sống, chiến đấu hối hả của quân và dân Củ Chi. Những đường hầm, kỉ vật từ thước phim ấy vẫn được lưu giữ và cải tạo cho đến ngày nay để thế hệ trẻ tìm hiểu và trải nghiệm. Đó là những hố chông làm từ các thanh sắt được mài nhọn từ xác máy bay rơi, đó là xưởng công binh có mô hình động các du kích đang sản xuất vũ khí, đó là đường hầm thông 6 xã với nhau tạo thành một cộng đồng sống trong lòng đất. Càng khám phá địa đạo, chúng tôi càng tò mò, bất ngờ và thường xuyên phải thốt lên rằng, đúng là “thời thế tạo anh hùng.”
Sự thú vị và lôi cuốn của những câu chuyện lịch sử đã trở thành động lực cho những bạn trẻ làm việc tại đây. Anh Nguyễn Hữu Lộc, Hướng dẫn viên của địa đạo Củ Chi cho biết: “Trước kia mình chưa quan tâm nhiều đến lịch sử nhưng sau khi vào đây thì mình thấy lịch sử rất hay, mình chủ động tìm kiếm thông tin để hiểu hơn. Học tập mỗi ngày để có nhiều câu chuyện kể với du khách. Mỗi điểm có một cái hay riêng, ví dụ cửa hầm bí mật cho thấy các du kích lên xuống, di chuyển khó khăn như thế nào, đồ ăn cho thấy họ ăn uống khắc khổ ra sao.”
Anh Nguyễn Hữu Lộc say sưa chia sẻ về những điểm nhấn ở địa đạo Củ Chi.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Duyên (Quận 12, TP. Hồ Chí Minh) đã có trải nghiệm tuyệt vời ở Củ Chi, chị chia sẻ: “Mình đã đến đây 3, 4 lần rồi vì đưa học sinh tiểu học của trường mình đi tham quan, thế nhưng mỗi lần nghe mình lại thấy thú vị hơn. Dịp này nghỉ hè, mình đưa con trai đi để trải nghiệm những gì bộ đội ta đã trải qua. Ngày xưa đường hầm còn nhỏ hẹp hơn mà họ vẫn di chuyển và sống được dưới lòng đất, nóng bức, khổ cực biết bao.”
Gia đình chị Duyên mong muốn đưa con đến các di tích để tìm hiểu lịch sử.
Còn anh Nguyễn Thế Hải rất khâm phục và tự hào về công trình vĩ đại dưới lòng đất mà cha ông ta đã dày công xây dựng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Anh bày tỏ: “Đất thép thành đồng Củ Chi là minh chứng rõ nét nhất cho đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh du kích của quân đội nhân dân Việt Nam. Để xây dựng cả một hệ thống địa đạo hơn 250 cây số chằng chịt dưới lòng đất thì mình nghĩ chỉ có tình yêu với đồng bào tổ quốc, khát vọng độc lập tự do và ý chí của người Việt Nam mới thúc đẩy con người vượt qua giới hạn và hoàn thành những điều không thể. Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng địa đạo trong chiến tranh vẫn không hề lỗi thời, ví dụ như cuộc chiến giữa Israel và Hamas mới nổ ra gần đây”.
Anh Nguyễn Thế Hải trải nghiệm đi trong lòng đất chật hẹp.
Suốt trong một thời gian dài, địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo hết sức khốc kiệt. Chủ yếu là năm thủ đoạn: dùng nước phá địa đạo, dùng đội quân “chuột cống” đánh địa đạo, dùng xe cơ giới ủi phá địa đạo, dùng chó Bẹcgiê đánh phá địa đạo và gieo cỏ phá địa hình. Quân và dân Củ Chi đã phải ứng biến theo nhiều cách khác nhau để đối phó. Để có được những vinh quang mang về cho độc lập của đất nước, Củ Chi đã chịu nhiều hy sinh to lớn: Sơ bộ thống kê trong toàn huyện đã phải chịu: 50.454 trận càn quét; có 10.101 dân thường bị chết; trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương; có 28.421 nóc nhà bị cháy; 20.000 ha ruộng rẫy và rừng bị phá…
Hiện nay, Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm: Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng và Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức. Địa đạo Củ Chi trở thành khu di tích tiêu biểu ở TP. Hồ Chí Minh, đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách trong năm 2023.
Để tăng sự trải nghiệm cho du khách, Khu di tích Địa đạo Củ Chi ra mắt chương trình tham quan ban đêm với chủ đề “Trăng Chiến khu”. Tour đêm lấy ánh trăng làm chủ đạo, tái hiện cuộc sống về đêm của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng với những hoạt động như đào địa đạo, đan lát dưới ánh trăng, thanh niên đăng ký tòng quân đánh giặc, xay lúa, giã gạo, trai gái hò đối đáp nhau trên đồng ruộng, họp chợ, văn công về biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và người dân hòa lẫn với tiếng bom, tiếng pháo, tiếng máy bay địch tuần tiễu. Đây sẽ là cơ hội để thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng hơn lịch sử của ông cha ngày xưa, từ đó đem lòng biết ơn để giữ gìn và phát triển đất nước.
Kết thúc tour khám phá, du khách được thưởng thức sắn (khoai mì) tại khu vực Bếp Hoàng Cầm.
Các hoạt cảnh trong chương trình “Trăng chiến khu”. (Ảnh: Khu Di tích Địa đạo Củ Chi).
Nguồn: vtv.vn