Theo Tổng Cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị so với cùng kỳ.

Áp giá sàn xuất khẩu gạo là không nên

Theo Tổng Cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị so với cùng kỳ.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, các hiệp hội, doanh nghiệp đã khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, đồng thời khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng. Thương hiệu gạo Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế; nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã tiếp cận tốt hơn và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, các hiệp hội ngành hàng đã, đang phát huy vai trò tích cực, giúp doanh nghiệp thành viên nâng cao chất lượng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Cũng liên quan hoạt động xuất khẩu gạo, sau khi 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trúng thầu cung ứng gạo cho Indonesia với giá thấp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, một số doanh nghiệp chưa đồng tình việc áp dụng giá sàn xuất khẩu để chấn chỉnh tình trạng bán gạo giá thấp. Bởi thực hiện như trước đây đã không thành công, ít nhiều làm cản trở, đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long chia sẻ: “Khi xin được giá sàn giảm xuống, mình không kịp thời gian để chủ động vấn đề để thảo luận ký hợp đồng, có thể bị thiệt cho doanh nghiệp, thiệt cho bà con trồng lúa”.

TS Trần Hữu Hiệp, Giảng viên Trường Đại học FPT Cần Thơ nhận định: “Để không bán phá giá, việc này chúng ta đã có Luật cạnh tranh, đã có luật giá, đã có vai trò quản lý của Bộ Công thương. Khi xuất khẩu, chúng ta đã có hai Hiệp hội ngành hàng liên quan đến lúa gạo và xuất khẩu gạo”.

Theo doanh nghiệp, giải pháp áp dụng giá sàn chỉ mang tính chất tình thế. Bởi điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt khi thị trường biến động nhưng đảm bảo hiệu quả, quyền lợi của cả ngành hàng mới thực sự bền vững, lâu dài.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cũng cho rằng, hiện tại Việt Nam đang mở cửa là một quốc gia theo kinh tế thị trường nên việc áp giá sàn xuất khẩu gạo là không nên.

Thậm chí, kịch liệt phản đối đề xuất này, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Tân Long phân tích, trong vận hành thị trường nông sản, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, đó là thị trường tương lai, nguồn cung ảnh hưởng rất lớn từ tác động thời tiết, mùa vụ, dịch bệnh, nên yếu tố tương lai quyết định xu hướng giá. Doanh nghiệp nào nhận định xu hướng giá tương lai giảm thì họ sẽ ký hợp đồng với mức giá giảm và họ vẫn có lãi.

Áp giá sàn xuất khẩu gạo là không nên

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, một số doanh nghiệp chưa đồng tình.

Ngược lại nếu giá tăng thì doanh nghiệp vẫn phải giao hàng, chấp nhận chịu lỗ, đây là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta không thể nói điều này ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực hay ảnh hưởng lớn đến người dân.

Ông Trương Sỹ Bá cho rằng, nếu đề xuất “phi thị trường” như vậy được áp dụng sẽ có hai khả năng. Thứ nhất, thị trường vận hành theo quy luật cung cầu, giá thị trường quốc tế cao hơn giá sàn Việt Nam đưa ra thì sẽ không ảnh hưởng gì cả, doanh nghiệp vẫn xuất khẩu trên giá sàn bình thường.

“Trong trường hợp ngược lại, chúng ta định ra một giá sàn. Vậy đơn vị nào sẽ là người định giá sàn? Dựa trên yếu tố gì để định giá? Bởi giá là phải do người mua, người bán thiết lập, chứ không do một đơn vị nào định giá thị trường được. Nếu họ định giá cao hơn giá thị trường quốc tế thì Việt Nam sẽ không xuất khẩu được. Điều này chẳng khác nào chúng ta cấm xuất khẩu, giá gạo trong nước giảm, người dân sản xuất lúa bị tổn thất nặng nề”, ông Trương Sỹ Bá phân tích và nhấn mạnh, rõ ràng, đây là câu chuyện rất phi lý. Nếu áp rào cản này, doanh nghiệp sẽ đối diện với tình trạng hàng tồn kho lưu mãi trong nước mà không xuất khẩu được.

Thứ hai, khi đã áp dụng giá sàn, mỗi lần thay đổi giá sàn phải có sự quyết định của Chính phủ, quy trình này sẽ mất nhiều thời gian, doanh nghiệp sẽ là bên bị nhiều thiệt hại. Việc áp dụng giá sàn cũng làm chính sách xuất khẩu, thị trường không linh hoạt theo thị trường thế giới.

Hơn nữa, nếu áp dụng giá sàn thì sẽ có một đơn vị đứng ra xác định giá sàn và trình lên Thủ tướng. Các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đều phải thông qua đơn vị này để đăng ký, khi đó mới có thể xuất khẩu được. “Việc này đồng nghĩa là tạo thêm thủ tục hành chính, chi phí và tạo sự không thuận lợi cho doanh nghiệp, có thể nảy sinh cơ chế xin – cho, thiếu minh bạch. Giá của doanh nghiệp xuất khẩu cho đơn vị nào, giá bao nhiêu, lẽ ra là bí mật của doanh nghiệp nhưng lại phải công khai là rất vô lý”, ông Trương Sỹ Bá phân tích.

Đồng thời cho rằng, giá sàn là con dao tiêu diệt ngành nông nghiệp của Việt Nam. Việc quay lại áp giá sàn và thị trường tập trung Việt Nam nên quên đi, không quay lại nữa.

Trên thực tế, trước đây Việt Nam đã từng áp giá sàn trong xuất khẩu gạo, sau đó giá gạo trong nước không xuất khẩu được. Nhiều tháng liền nông dân không bán được hàng vì doanh nghiệp tồn kho không xuất khẩu được. Khi không bán được hàng thì giá lúa gạo trong nước liên tiếp giảm sâu. Nông dân là bên chịu thiệt hại nặng nhất. Sau đó, Chính phủ phải bãi bỏ giá sàn. Đây được doanh nghiệp nhấn mạnh là bài học nhãn tiền.

Cùng với đó, ý kiến cũng cho rằng, VFA dẫn điều 31 Luật Thương mại 2005 về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích quốc gia khác phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Điều 31 chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, các doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế, nếu như có dấu hiệu thao túng hoặc làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, người dân thì Chính phủ sẽ hành động khẩn cấp. Nhưng trong trường hợp này chưa phải là điều kiện khẩn cấp, viện dẫn điều 31 để kiến nghị áp giá sàn xuất khẩu gạo là thái quá, vì chỉ có 90 ngàn tấn, giá xuất khẩu chỉ giảm 15 USD/tấn so với giá hiện tại. Việc vin vào điều luật này là làm nặng nề vấn đề.