Saturday, June 22, 2024

Doanh nghiệp đau đầu vì tiền sử dụng đất bổ sung

Theo quy định của luật Đất đai 2024, tất cả mọi trường hợp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch… trước ngày luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa quyết định giá đất và phương án giá đất chưa được trình UBND cấp có thẩm quyền đều phải nộp tiền sử dụng bổ sung.

Không nên áp dụng trường hợp doanh nghiệp tự đi mua đất

Nhiều năm qua, các khách hàng mua nhà tại dự án Lakeview City (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cầu cứu khắp nơi bởi đã nhận nhà vào ở ổn định hàng chục năm và đóng 95% giá trị hợp đồng cho chủ đầu tư nhưng chưa được cấp sổ hồng.

Nguyên nhân là năm 2004 đã được UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1578 về thu hồi và tạm giao đất cho Công ty Thế kỷ 21 để tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án. Dự án này đã được Tập đoàn Novaland mua lại, triển khai xây dựng và bán cho khách hàng.

Theo thông tin từ Tập đoàn Novaland, khi triển khai dự án và xây dựng giá bán cho khách hàng, doanh nghiệp căn cứ vào số tiền sử dụng đất tạm nộp thời điểm đó. Nhưng đến nay, UBND TP yêu cầu đóng tiền sử dụng đất bổ sung hơn 4.664 tỉ đồng khiến công ty lâm vào tình cảnh khó khăn và thua lỗ. Chính vì vậy, doanh nghiệp này nhiều lần kiến nghị TP tính toán lại tiền sử dụng đất bổ sung.

Doanh nghiệp đau đầu vì tiền sử dụng đất bổ sung

Dự án Lakeview City bị yêu cầu đóng tiền sử dụng đất bổ sung hơn 4.664 tỉ đồng

ĐÌNH SƠN

Đó chỉ là một số trong hàng trăm dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM đang vướng tiền sử dụng đất bổ sung khiến không thể triển khai. Những dự án đã giao nhà thì không thể bàn giao sổ hồng cho khách hàng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại không có lỗi trong việc cơ quan nhà nước chưa ban hành quyết định giá đất, phương án giá đất chưa được trình UBND cấp có thẩm quyền, nhất là đối với trường hợp doanh nghiệp tự đi mua đất để làm dự án.

Do vậy, điểm c khoản 2 điều 257 luật Đất đai 2024 quy định tất cả mọi trường hợp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, điều chỉnh quy hoạch chi tiết… trước ngày luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa quyết định giá đất và phương án giá đất chưa được trình UBND cấp có thẩm quyền đều phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là chưa thật thỏa đáng đối với trường hợp doanh nghiệp tự mua đất để làm dự án.

Làm tăng giá bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu đưa ra dẫn chứng về dự án nhà ở thương mại A có quy mô diện tích đất là 5,2 ha do doanh nghiệp tự mua đất, thuộc trường hợp đang có quyền sử dụng đất ở và đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất từ tháng 8.2021. Khi đó, TP quyết định hệ số sử dụng đất dự án 3,05, mật độ xây dựng tối đa 35% gồm khu nhà chung cư có chiều cao tối đa 27 tầng với 903 căn hộ và khu nhà liên kế thấp tầng với 110 căn nhà phố. Dựa trên các thông số quy hoạch, chủ đầu tư tự tính toán tổng giá trị quyền sử dụng đất có thể là 1.240 tỉ đồng, có thể được khấu trừ khoảng 390 tỉ đồng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng nên số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 850 tỉ đồng.

Nếu dự án thuộc trường hợp người sử dụng đất phải nộp bổ sung khoản tiền đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất được tính bằng 50% khoản tiền tương đương với tiền chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai 2024 và căn cứ khoản 3 điều 3 luật số 106 thì quy ra tiền chậm nộp bằng 10,8%/năm và số tiền chậm nộp được tính bằng 50% khoản tiền tương đương với tiền chậm nộp sẽ là 5,4%/năm. Như vậy, khoản tiền chậm nộp của dự án sẽ là 850 tỉ đồng x 5,4% = 45,9 tỉ đồng/năm. Tổng số tiền chậm nộp trong 3 năm 2021 – 2024 sẽ là 137,7 tỉ đồng, dẫn đến tổng chi phí nộp tiền sử dụng đất lên đến 987,7 tỉ đồng, tăng 16,2%.

Doanh nghiệp đau đầu vì tiền sử dụng đất bổ sung

Hàng trăm dự án bất động sản ở TP.HCM phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung

ĐÌNH SƠN

Nếu dự án chưa huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư sẽ tính gộp khoản tiền chậm nộp 137,7 tỉ đồng vào giá bán nhà dẫn đến giá nhà có thể tăng thêm khoảng 16,2% và người mua nhà sẽ “gánh” khoản tiền nộp bổ sung này. Nếu dự án đã huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, đã “chốt giá” bán nhà thì chủ đầu tư sẽ “gánh” khoản tiền nộp bổ sung này và bị giảm lợi nhuận.

“Từ ví dụ điển hình trên có thể thấy trường hợp áp dụng luật Đất đai 2024 thì sẽ có không ít chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị truy thu tiền sử dụng đất trong nhiều năm trước. Đây có thể sẽ là gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp vì phần lớn các dự án này đã được huy động vốn hoặc bán nhà ở cho khách hàng. Nên đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ hết sức cân nhắc. Đồng thời sẽ làm tăng giá bất động sản”, ông Châu kiến nghị và nói thêm rằng quy định này chỉ nên áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp được Nhà nước quyết định giao đất nhưng chưa có quyết định giá đất, phương án giá đất chưa được trình UBND cấp có thẩm quyền, mà đất đó không thuộc trường hợp doanh nghiệp tự đi mua đất làm dự án. 

Đối với trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì đề nghị không áp dụng điểm c khoản 2 điều 257 luật Đất đai 2024. Nghĩa là doanh nghiệp không phải nộp khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bởi lẽ doanh nghiệp không có lỗi và doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất đầu tư phù hợp với quy hoạch. Nếu Chính phủ quyết định phải áp dụng thống nhất điểm c khoản 2 điều 257 luật Đất đai 2024 thì chỉ nên quy định nộp bổ sung khoản tiền đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất được tính bằng 25% khoản tiền tương đương với tiền chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định, tức là bằng ½ số tiền phải nộp của các trường hợp khác.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img