Từ những nghiên cứu trên các kênh thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Nguyễn Phương Lâm – Giám đốc bộ phận phân tích thị trường, công ty YouNet ECI cho biết: động lực tăng trưởng cho thương mại điện tử năm 2023 là xu hướng mua sắm mỗi ngày. Người tiêu dùng ngày càng chuyển dịch hoạt động mua sắm từ offline lên thương mại điện tử và xem đây như kênh mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân hàng ngày.

Động lực tăng trưởng mới của thương mại điện tử

Ông Nguyễn Phương Lâm – Giám đốc bộ phận phân tích thị trường của YouNet ECI

Bên cạnh đó, năm 2023 cũng ghi nhận sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của 2 động lực tăng trưởng mới. Đó là mua sắm hàng hoá, sản phẩm có giá trị cao trên thương mại điện tử và giải trí kết hợp mua sắm đang có tốc độ tăng trưởng mạnh.

Theo báo cáo của Meta và Bain, tại thị trường Việt Nam, cứ 3 trong 4 người tiêu dùng mua sắm trên thương mại điện tử là khách hàng gen Z. Dự báo trong 5 năm tới, gen Z sẽ chiếm 31% lực lượng lao động tại Việt Nam nên đây sẽ là đối tượng tiêu dùng trọng tâm mà các doanh nghiệp cần hướng tới.

Còn theo dữ liệu nghiên cứu của Buzzmetrics năm 2023, tiện lợi và giá cả là 2 yếu tố chính khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen và hành vi mua sắm. Theo đó, tần suất truy cập mỗi ngày của người tiêu dùng trên thương mại điện tử tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Số lượng đơn hàng trung bình người tiêu dùng mua sắm trên thương mại điện tử năm 2022 khoảng 10 – 20 đơn/tháng thì con số này ở năm 2023 đã tăng lên 30 đơn/tháng, trung bình mỗi ngày người tiêu dùng “chốt” một đơn hàng trên thương mại điện tử.

Không chỉ truy cập và mua sắm nhiều đơn hàng hơn, giá trị mỗi đơn hàng tăng khoảng 10,5%. Tất cả yếu tố tích cực trên đã góp phần tăng trưởng doanh thu của thương mại điện tử trong những thời điểm không có chương trình khuyến mãi ở mức 20 – 25%/quý.

Theo ông Nguyễn Phương Lâm, giỏ hàng mà người tiêu dùng mua sắm trên thương mại điện tử cũng đa dạng và bền vững. Trong đó, thời trang và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp là những ngành hàng dẫn đầu về mặt dung sai của thị trường với tổng doanh thu lên đến hơn 2 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2023. Cùng với đó, các sản phẩm công nghệ và điện gia dụng đạt tốc độ tăng trưởng lớn nhất (tăng trên 100%) trên thương mại điện tử trong 6 tháng cuối năm 2023.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Phương Lâm nhấn mạnh đến thay đổi trong thói quen mua sắm. Trước đây, nhiều người tiêu dùng chú ý và lựa chọn thương mại điện tử để mua sắm bởi có các chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn thì hiện nay, lý do này không còn là yếu tố quyết định chính. Bên cạnh đó, lên sàn mua sắm, người tiêu dùng không chỉ mua hàng hoá thiết yếu hay sản phẩm có giá trị thấp mà đã chuyển sang mua sắm rất nhiều đồ dùng có giá trị cao.

Động lực tăng trưởng mới của thương mại điện tử

Thói quen mua sắm trực tuyến hàng ngày đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng của thương mại điện tử

Điển hình, ông Nguyễn Phương Lâm dẫn chứng mặt hàng điện thoại di động. Theo đó, giá bán trung bình trong quý 4 năm 2022 tại một cửa hàng chính hãng trên thương mại điện tử là 7,5 triệu đồng nhưng đến quý 4 năm 2023, giá bán trung bình của mặt hàng này là 15 triệu đồng, tăng gấp đôi. Cụ thể hơn, tháng 10 năm 2023, sản phẩm iPhone 15 promax với giá trị lớn được giới thiệu thì liên tục trong 12 tuần sau đó, mặt hàng này đứng đầu bảng xếp hạng sản phẩm bán chạy nhất trên thương mại điện tử.

Lý do để người tiêu dùng bỏ ra số tiền rất lớn để mua sắm sản phẩm có giá trị lớn như điện thoại di động trên thương mại điện tử, ông Nguyễn Phương Lâm cho rằng đến từ chính sách bảo hành và dịch vụ hậu mãi.

Bên cạnh các kênh thương mại điện tử truyền thống, từ năm 2023, xu hướng kết hợp mua sắm và giải trí phát triển mạnh mẽ. Tại kênh bán hàng mới này, một số mặt hàng giá trị cao như xe điện chẳng hạn cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng cao và doanh thu tốt hơn nền tảng khác trong thời gian bán hàng từ ngày 12/12/2023 – 29/2/2024. Con số này cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận chuyển dịch mới, mở ra nhiều cơ hội và động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.