Saturday, June 22, 2024

EURO và những điều thú vị: Platini giúp Pháp vượt vũ môn

Trước đây, có vẻ như đội tuyển Pháp nói riêng, hoặc bóng đá Pháp nói chung, không thể làm được hai việc cùng lúc: đá đẹp và chiến thắng. Bóng đá Pháp tài hoa nhưng thiếu hiệu quả! Michel Platini là cú đột phá thay đổi lịch sử.

KEURO 1984 HAY TUYỆT

Người Pháp nghĩ ra mọi thứ cho thế giới bóng đá. Jules Rimet đề xuất World Cup, Henri Delaunay là cha đẻ của EURO, Jacques Ferran và Gabriel Hanot là tác giả của Cúp C1 châu Âu. Nhưng bóng đá Pháp lại chẳng có vinh quang gì đáng kể, cho đến trước khi nước này tổ chức EURO 1984.

EURO và những điều thú vị: Platini giúp Pháp vượt vũ môn

Michel Platini (thứ 2 từ phải sang) đã ghi đến 9 bàn thắng tại VCK EURO 1984

AFP

Trước đó, năm 1980 là lần đầu tiên VCK EURO được mở rộng từ 4 lên 8 đội. Thất bại, hoặc ít ra thì đấy là kết luận của một bộ phận không nhỏ trong giới quan sát! Lần đầu tiên có vòng đấu bảng, và khán giả Ý tỏ rõ sự thờ ơ đối với các trận không liên quan đến đội chủ nhà Ý. Tỷ lệ ghi bàn thấp (bình quân 1,93 bàn/trận). Cũng do mở rộng VCK, nước chủ nhà phải có thời gian chuẩn bị, nên EURO 1980 là lần đầu tiên đội chủ nhà được miễn tham gia vòng loại. Phe “phản biện” lập tức tỏ ra ngờ vực về chất lượng của một đội bóng được vào thẳng VCK. Trên thực tế, đội chủ nhà Ý chỉ ghi 1 bàn trong suốt vòng bảng, đứng dưới Bỉ nên chỉ được tranh hạng 3 và thua Tiệp Khắc ở loạt sút luân lưu sau khi hòa 1-1. Trận tranh hạng 3 kém hấp dẫn đến nỗi UEFA hủy luôn trận này ở các kỳ EURO tiếp theo.

Nhưng EURO 1984 lại là câu chuyện khác hẳn. Giải này rất hay, cho dù vắng bóng hàng loạt anh tài. Ngay cả đội ĐKVĐ World Cup khi ấy là Ý cũng vắng mặt (Ý chỉ thắng 1 trong 8 trận vòng loại, chỉ đứng trên Síp trong bảng của họ). Anh, Liên Xô, Hà Lan bị loại bởi Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Đây là dịp hiếm hoi mà giới hâm mộ trung lập được xem thứ bóng đá xa lạ của các đội Đan Mạch, Bồ Đào Nha.

Hai năm sau đó, Đan Mạch mới được xuất hiện lần đầu tiên tại đấu trường World Cup, và vì mang danh “tân binh” nên họ bị xếp vào nhóm đội cuối cùng. Hệ lụy là bảng đấu của Đan Mạch trở thành “bảng tử thần” của World Cup 1986, với kết quả là Đan Mạch toàn thắng trước Đức, Uruguay, Scotland! Bồ Đào Nha thì chỉ góp mặt một lần ở World Cup trước đó và gây tiếng vang với vị trí số 3 chung cuộc (World Cup 1966). Đây là lần đầu tiên đội này tham dự EURO. Cả Bồ Đào Nha lẫn Đan Mạch đều chơi rất hay, lọt vào bán kết EURO 1984. Rốt cuộc, Bồ Đào Nha thua Pháp 2-3 trong trận đấu hấp dẫn nhất giải (Michel Platini ghi bàn quyết định cho Pháp khi hiệp phụ thứ 2 chỉ còn 1 phút). Đan Mạch thì thua Tây Ban Nha ở loạt sút luân lưu 11 m.

NHỮNG CÚ HAT-TRICK TẠI EURO

Lịch sử chỉ mới chứng kiến 8 cú hat-trick ở các VCK EURO xưa nay. Platini là cầu thủ duy nhất từng lập hat-trick 2 lần. Kỷ lục lập 2 hat-trick ở một

VCK EURO của ông càng khó phá. Đấy là những cú hat-trick vào lưới Bỉ (5-0) và Nam Tư (3-2) ở vòng bảng EURO 1984. Cú hat-trick đầu tiên trong lịch sử EURO được ghi bởi Dieter Mueller (Đức), mới 22 tuổi 77 ngày, trong trận bán kết gặp Nam Tư năm 1976. Đến nay Mueller vẫn giữ kỷ lục cầu thủ trẻ nhất lập được hat-trick ở đấu trường này. Vào sân từ ghế dự bị ở phút 79, Mueller gỡ 2-2 cho Đức, rồi lại ghi thêm 2 bàn giúp Đức thắng 4-2 trong hiệp phụ. Nam Tư là đội… hứng hat-trick nhiều nhất. Họ phải lãnh thêm cú hat-trick của Patrick Kluivert trong trận thua Hà Lan 1-6 tại EURO 2000.

Tác giả của những cú hat-trick còn lại là Klaus Allofs (Đức, thắng Hà Lan 3-2 năm 1980), Marco Van Basten (Hà Lan, thắng Anh 3-1 năm 1988), Sergio Conceicao (Bồ Đào Nha, thắng Đức 3-0 năm 2000), David Villa (Tây Ban Nha, thắng Nga 4-1 năm 2008).

PLATINI VÀ KỶ LỤC GHI 9 BÀN

Cuối cùng, Pháp thắng Tây Ban Nha 2-0 trong trận chung kết, lần đầu tiên lên ngôi vô địch ở một giải đấu lớn. Đây hẳn nhiên là một trong vài cột mốc quan trọng nhất để khẳng định tư thế cường quốc bóng đá thế giới của Pháp. Với những Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana, Maxime Bossis, Didier Six, Luis Fernandez, Manuel Amoros…, Pháp xứng đáng được xem là đội bóng hàng đầu thế giới trong nửa đầu thập niên 1980. Và bây giờ, lần đầu tiên họ gặt hái được danh hiệu cụ thể để khẳng định mình.

Cho đến trước khi Cristiano Ronaldo và Lionel Messi xuất hiện, thì Platini là tượng đài số 1 ở cuộc bầu chọn thường niên danh giá “Quả bóng vàng châu Âu”. Ông cùng với Johan Cruyff và Marco Van Basten (đều là những người Hà Lan) giữ kỷ lục 3 lần đoạt “Quả bóng vàng châu Âu”. Nhưng chỉ có Platini đoạt giải 3 lần liên tiếp. Platini sánh ngang với Diego Maradona (Argentina) và Zico (Brazil) trong những năm đầu thập niên 1980. Họ đều mặc áo số 10 trong ĐTQG, ở cái thời kỳ mà số áo nói lên danh phận cũng như đẳng cấp của một cầu thủ. Trong thập niên 1980, người ta thường nhìn vào cầu thủ số 10 để đánh giá cả một đội bóng, so sánh các đội bằng cách so sánh cầu thủ “số 10”. Platini, Maradona, Zico chính là những “số 10” hay nhất thế giới trong thời của họ. Danh hiệu vô địch EURO 1984 của Platini rơi vào điểm giữa của chuỗi 3 lần liên tiếp đoạt “Quả bóng vàng châu Âu” vừa nêu.

Đá hay và ghi bàn nhiều là những chuyện hoàn toàn khác nhau. Platini vĩ đại ở chỗ: ông là tiền vệ dẫn dắt hàng công, nhưng lại ghi bàn hàng loạt. Đấy chính là biểu tượng của cái điều mà bóng đá Pháp trước đó luôn thiếu: chơi bóng hào hoa nhưng không thể thắng trong những lúc cần thắng. Kỳ tích ghi 9 bàn tại VCK EURO 1984 (chỉ có 5 trận) của Platini là kỷ lục khó phá, dù ông cả đời không đá trung phong. Platini ghi bàn trong mọi trận đấu tại EURO 1984. Đấy là tài năng thật sự của Platini chứ không phải “phong độ nhất thời”. Tại giải Serie A vốn rất nặng về phòng thủ, nhan nhản những hậu vệ giỏi, Platini (Juventus) vẫn là vua phá lưới suốt những năm mà ông đoạt “Quả bóng vàng” châu Âu (1983-1985). 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img