TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trên toàn cầu, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Mệnh lệnh cấp bách từ ESG

Những yêu cầu của tiêu chuẩn ESG đang và sẽ góp phần thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Kinh tế xanh hiện nay không còn là khái niệm mà đang được định hình rất rõ. Theo chuyên gia kinh tế, đây có thể xem là cuộc cách mạng, thay đổi hoàn toàn hoạt động đầu tư, phương thức kinh doanh, lối sống và cả khía cạnh pháp lý.

Đặc biệt, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, theo TS. Võ Trí Thành, tăng trưởng xanh đang tác động mạnh mẽ khi 80% nguồn lực tài chính đòi hỏi đáp ứng yêu cầu ESG mới cấp vốn. Với mệnh lệnh này cấp bách này, với doanh nghiệp, không chỉ là vấn đề tồn tại hay không tồn tại mà còn giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhiều cơ hội mới khi phát triển xanh.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi, với doanh nghiệp Việt Nam cũng có những thách thức nhất định. TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đến hai thách thức chính là chi phí chuyển đổi khi quá trình chuyển đổi diễn ra trong nhiều năm và áp lực từ thị trường. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến nhận thức từ “dưới lên” trong chính nội tại của doanh nghiệp như năng lực cạnh tranh, quản trị theo mô hình kinh doanh mới, công nghệ, đầu tư, nhân lực và nhận thức từ “trên xuống” với các yếu tố bên ngoài như cải cách thể chế, phát triển hạ tầng…

Ngược lại, vượt qua những thách thức trên, phát triển theo hướng xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận tài chính thuận lợi hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh; gia tăng giá trị và uy tín thương hiệu.

Mệnh lệnh cấp bách từ ESG

Những trang phục được may đo bằng vải từ bã cà phê dần quen thuộc với người tiêu dùng ưa lối sống xanh

Ở cấp vĩ mô, hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế xanh đã được Việt Nam xây dựng nhưng TS. Võ Trí Thành cho rằng, vẫn cần hoàn thiện thêm. Với khái niệm mới, dù đã định hình dần dần như kinh tế xanh thì tại chúng ta vẫn phải vừa “chạy” vừa chuyển đổi sang kinh tế xanh…

Bên cạnh sự nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế, sự chuyển đổi của nền kinh tế là sự chuyển động của doanh nghiệp một cách tích cực hơn. Trước yêu cầu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của toàn cầu, doanh nghiệp cần có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh mới. Trong đó, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn chính là sáng tạo, uy tín, trách nhiệm của doanh nghiệp; tiêu dùng xanh là nhân tố quan trọng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần phải quan tâm quản trị rủi ro và các cú sốc; tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách liên kết thị trường; không ngừng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì thế giới đang phát triển cùng những bước nhảy vọt về công nghệ.