Saturday, June 22, 2024

Người Việt bỏ lỡ cả “kho” dinh dưỡng khi gọt vỏ 5 loại rau củ quen thuộc này

Nhiều người Việt Nam có thói quen gọt vỏ rau củ quả trước khi chế biến món ăn. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến họ bỏ đi một phần “kho tàng dinh dưỡng” quý giá. Dưới đây là 5 loại rau củ quen thuộc mà bạn nên giữ nguyên vỏ khi nấu ăn.

Vỏ cà rốt có thể ăn được

Vỏ cà rốt hoàn toàn an toàn để ăn và trên thực tế còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vỏ cà rốt chứa nhiều beta-carotene, chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin K và C. Những chất dinh dưỡng này được biết đến với đặc tính tăng cường miễn dịch rất hiệu quả.

Ngoài ra, beta-carotene trong cà rốt khi được hấp thụ vào cơ thể còn có khả năng chuyển hóa thành vitamin A, giúp bạn cải thiện thị lực và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.

Vỏ khoai tây chứa nhiều vitamin C

Hầu hết mọi người khi chế biến thức ăn đều sẽ lựa chọn bỏ đi phần vỏ của củ khoai tây vì cho rằng chúng có nhiều bụi bẩn không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, vỏ khoai tây chứa một lượng lớn vitamin C, vitamin B6, kali, sắt và kẽm rất tốt cho cơ thể.

Vỏ khoai tây cũng chứa các chất chống oxy hóa như polyphenol, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra. Do đó, khi chế biến, bạn chỉ nên rửa sạch bụi bẩn hoặc đất bám bên ngoài của khoai tây để đảm bảo chất dinh dưỡng vốn có của loại thực phẩm quen thuộc này.

Dưa chuột

Vỏ dưa chuột chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và vitamin K, cần thiết cho quá trình đông máu và sức khỏe của xương. Đây cũng là nguồn cung cấp silica – một khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe của da, tóc và móng rất tốt.

Do chứa nhiều chất xơ nên vỏ dưa chuột cũng có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh. Trước khi ăn, hãy rửa dưa chuột thật kỹ dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Bạn có thể ngâm dưa chuột trong nước muối pha loãng khoảng 15-20 phút để đảm bảo an toàn hơn.

Cà tím

Vỏ cà tím chứa nhiều anthocyanin, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có khả năng bảo vệ tế bào, giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch và làm chậm quá trình lão hóa. Các vitamin nhóm B và vitamin C trong vỏ cà tím cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và sản xuất collagen cho da.

Bên cạnh đó, vỏ cà tím chứa nhiều chất xơ hơn phần ruột, giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và tạo cảm giác no lâu. Khi chế biến các món ăn liên quan đến cà tím, bạn nên giữ nguyên vỏ để tối đa hóa lợi ích sức khỏe.

Bí xanh

Cả phần thịt và vỏ bí xanh đều mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vỏ bí xanh chứa hàm lượng chất xơ cao, giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.

Trong khi đó, vitamin C, vitamin K, folate, magie và kali trong vỏ bí xanh rất quan trọng cho hệ miễn dịch, sức khỏe xương và tim mạch. Cho dù bạn xào, nướng hay nấu canh, việc để nguyên vỏ là một cách tuyệt vời để tăng giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm này.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img