Mùa trồng trọt ở tỉnh Chanthaburi – một trong những vùng sản xuất sầu riêng chính của Thái Lan, thường kéo dài từ tháng 3 – tháng 6 hàng năm. Tuy nhiên, nhiệt độ tại địa phương đã dao động quanh mức 40 độ C trong nhiều tuần và hạn hán sau đó gây ảnh hưởng đến cây sầu riêng. 

Sầu riêng Việt "chiếm sóng" tại Trung Quốc

Trong bốn tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng tươi Việt Nam tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Thời tiết nắng nóng khiến những quả sầu riêng chưa hái bị tách ra trên cây. Một số hộ dân đã phải mua nước để tưới cho trang trại, dẫn đến chi phí tưới tiêu cao. Sầu riêng được định giá dựa trên trọng lượng và kích thước, nhưng nhiệt độ cao đã đẩy nhanh quá trình chín, khiến sầu riêng có kích thước và chất lượng kém.

Trong những tháng vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang có có các giải pháp hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng ở phía đông nước này khi hạn hán kéo dài đang đe dọa làm hỏng vụ sầu riêng tại khu vực. Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan có nhiệm vụ cung cấp nước cho các trang trại, trong khi Cục Khuyến nông được yêu cầu hướng dẫn để giúp nông dân đối phó với điều kiện khô hạn.

Trong khi sầu riêng Thái Lan “khát nước” thì cũng trong bốn tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng tươi Việt Nam tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, bốn tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc đạt 202,5 ngàn tấn, trị giá hơn 1 tỉ USD, giảm 35,2% về lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc. Bên cạnh Thái Lan, Việt Nam, Philippines đang là các quốc gia cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trưởng tỉ dân này. Trong đó, nhiều năm, Thái Lan luôn giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu sầu riêng nhiều nhất, chiếm thị phần cao nhất ở thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bốn tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Thái Lan 121,3 ngàn tấn, trị giá 716,3 triệu USD, giảm 35% về lượng, 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ trọng nhập khẩu sầu riêng tươi từ Thái Lan trong bốn tháng đầu năm giảm mạnh 60% tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này, giảm 26,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc trong giai đoạn này giảm một phần vì tình trạng nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Trong khi đó, bốn tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã chi 369,8 triệu USD nhập khẩu sầu riêng tươi Việt Nam với 79,3 ngàn tấn, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêng Việt Nam sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, tuy nhiên khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra sầu riêng tươi Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những lợi thế giúp sầu riêng tươi Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại Trung Quốc sau chưa đầy hai năm mở cửa tại thị trường này.

Song, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam còn hạn chế về mã số vùng trồng sầu riêng, đồng thời cần học hỏi cách làm của Thái Lan trong phát triển sầu riêng.

Sầu riêng Việt "chiếm sóng" tại Trung Quốc

Việt Nam còn hạn chế về mã số vùng trồng sầu riêng, đồng thời cần học hỏi cách làm của Thái Lan trong phát triển sầu riêng.

Ông chỉ rõ, ngay khi nước ta được xuất khẩu sầu chính ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan đã chủ động nâng tiêu chuẩn chất lượng sầu xuất khẩu của mình để giữ vững thị trường.

“Họ có bộ tiêu chuẩn chất lượng về độ khô, quy định thời gian thu hoạch của từng vùng trồng. Có biện pháp kiểm tra hàng trước khi xuất khẩu. Không chỉ kiểm tra sâu bệnh, cơ quan chức năng còn kiểm tra cả độ chín của trái sầu”, ông Nguyên nói. Sầu riêng phải đạt các tiêu chuẩn này mới được phép xuất khẩu. Nếu phát hiện sầu riêng cắt non, ngoài việc tiêu huỷ lô hàng, doanh nghiệp còn bị phạt tiền. Trong khi, chúng ta mới chỉ kiểm soát được sâu bệnh dịch hại trên trái sầu theo nghị định thư, “bỏ ngỏ” vấn đề về chất lượng như độ chín, độ khô, trái ngon hay dở, già hay non. Chất lượng sầu phụ thuộc hoàn toàn vào nhà vườn và thương lái. Thế nên, tại các vùng trồng ở nước ta vẫn xảy ra tình trạng “ép” cắt sầu riêng non bán cho phía Trung Quốc lúc giá tăng cao, nguồn cung thiếu hụt, dẫn đến hệ lụy sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh kém, nhất là về giá bán. Đồng thời, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sầu Việt tại thị trường Trung Quốc”, ông Nguyên cho hay.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh tình trạng sầu bị ép cắt non, khi xuất đi hàng bị trả về ảnh hưởng đến uy tín. Tình trạng đẩy giá sầu quá cao khiến doanh nghiệp khó thu mua, chuỗi cung ứng đứt đoạn, không trả được đơn hàng xuất khẩu…

Đáng chú ý, diện tích sầu riêng của nước ta đã tăng lên 130.000ha, tức chỉ vài năm tới, sản lượng sầu sẽ tăng gấp đôi hiện tại. Do đó, ông Nguyên và các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng cho sầu riêng. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý các trường hợp cắt sầu riêng non xuất khẩu. 

Không kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, cứ thả nổi và xuất khẩu ồ ạt sẽ dễ bị trả hàng về, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, thậm chí đánh mất thị trường mà chúng ta mất rất nhiều năm mới mở được. Khi thị trường không ổn định, sản lượng lại tăng mạnh thì câu chuyện dư thừa hiện hữu.