VTV.vn – Ngày Tết Đoan Ngọ (tức 5/5 Âm lịch), hàng nghìn người dân TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và các vùng lân cận đổ xô đi tắm biển vào giờ chính Ngọ.
Đúng 12h ngày Tết Đoan Ngọ, người dân Bình Định từ già đến trẻ sẽ đội nắng ra biển tắm mát. Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Định, người dân đất võ quan niệm rằng tắm biển vào giờ Ngọ ngày Tết Đoan Ngọ sẽ gột rửa xui xẻo. Nước biển cuốn hết mọi phiền toái, rắc rối, thậm chí “sâu bọ” và bệnh tật ra ngoài khơi và đem lại may mắn.
Người dân ở các vùng ven biển Việt Nam có phong tục tắm biển vào giữa trưa Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 Âm lịch)
Điểm đến phổ biến nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ là bãi biển được ví như vầng trăng khuyết kéo dài từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng ở Quy Nhơn. Nơi đây đón hàng nghìn lượt khách tắm biển vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ.
Ngoài tắm biển cầu may, người dânh tranh thủ vui chơi trên bãi biển. Rất nhiều gia đình còn mang theo can, chai đựng nước biển đem về tắm cho người già, trẻ nhỏ, người bệnh không thể đi tắm biển với mong muốn cầu bình an, chiến thắng bệnh tật. Theo quan niệm truyền thống, người không thể ra biển tắm sẽ nhìn vào thau đựng nước biển, ngửa mặt lên trời để cầu bình an.
Ngày Tết Đoan Ngọ đi tắm biển chính Ngọ mong cầu những may mắn
Không chỉ người dân Bình Định, khách du lịch từ các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Gia Lai… hay những vị khách từ nơi xa hơn tình cờ có dịp đến Bình Định dịp này cũng hòa chung không khí đón Tết Đoan Ngọ với người địa phương.
Ngoài biển Quy Nhơn ở Bình Định, một số vùng biển khác như Phú Yên; Sa Huỳnh (TX. Đức Phổ, Quảng Ngãi); Nha Trang (Khánh Hòa); hay thậm chí ở khu vực phía bắc như vùng biển ở Nam Định… cũng tồn tại truyền thống tắm biển “lấy may” vào ngày Tết Đoan Ngọ 5/5. Sau khi tắm biển cầu may, ngư dân sẽ về nhà thưởng thức mâm cỗ Tết Đoan Ngọ và sửa sang, mua sắm ngư cụ…
Nguồn: vtv.vn