Friday, June 21, 2024

Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới bị xử lý như thế nào?

Người nào vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới từ 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1 tỉ – 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 5 – 10 năm.

Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Trong giai đoạn 2 vụ án này, bị can Trương Mỹ Lan (68 tuổi) bị cáo buộc có hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Lan cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỉ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật.

Tổng số tiền Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD, tương đương 106.730 tỉ đồng.

Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới bị xử lý như thế nào?

Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD, tương đương 106.730 tỉ đồng

NHẬT THỊNH

Vậy pháp luật quy định thế nào về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới? 

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, việc vận chuyển trái phép tiền qua biên giới là xâm phạm đến chính sách quản lý tiền tệ của Nhà nước. Khi vận chuyển tiền từ trong nước ra nước ngoài, hoặc ngược lại mà không đúng với quy định của pháp luật về mua bán hàng hóa hoặc đầu tư ra nước ngoài, nhận đầu tư từ nước ngoài mà mục đích của việc vận chuyển này nhằm vụ lợi hoặc mục đích khác, thì người vi phạm có thể bị xử lý về tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo điều 189 bộ luật Hình sự.

Trường hợp các bên không có mua bán hàng hoá mà chỉ lập hợp đồng nhằm che đậy việc vận chuyển tiền ra nước ngoài, hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam thì đây bị coi là hành vi vận chuyển tiền trái phép qua biên giới.

Tại điều 189 bộ luật Hình sự quy định tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới: “Người nào vận chuyển qua biên giới, hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu – dưới 300 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 20 triệu – 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng – 2 năm”.

Khung hình phạt tù cao nhất đối với tội danh này chỉ là 10 năm tù, còn mức phạt tiền cao nhất là 3 tỉ đồng. Cụ thể, phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1 tỉ – 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 5 – 10 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì có thể bị phạt tiền với mức phạt cao nhất đến 5 tỉ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng – 3 năm, hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm. Ngoài ra, đối với pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu – 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 – 3 năm.

Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các cơ quan tố tụng sẽ tịch thu sung vào ngân sách nhà nước đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội (điều 47 bộ luật Hình sự).

Tuy nhiên, theo điều 51 bộ luật Hình sự, người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn… thì được xem là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img