Văn bản nêu rõ, theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022; quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Văn phòng Chính phủ đã chuyển những kiến nghị trên của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 30/5/2024, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có văn bản số 157/BC- DĐDN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp bền vững Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 28/3/2024 tại Hà Nội. Diễn đàn đã thu hút 500 khách mời là lãnh đạo các bộ ngành, các chuyên gia, diễn giả, các chủ đầu tư khu công nghiệp… cả nước tham dự.

Văn phòng Chính phủ phản hồi về Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp bền vững Việt Nam”

Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp bền vững Việt Nam”thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích góp ý để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển các khu công nghiệp (KCN) theo hướng thông minh, bền vững, giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời đưa ra các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, áp dụng giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, tăng cường các công trình, dịch vụ hỗ trợ… phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Văn phòng Chính phủ phản hồi về Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp bền vững Việt Nam”

Bà Virginia Foote, thành viên Ban điều hành Amcham Hà Nội, CEO Bay Global Straegies và cộng sự đóng góp nhiều ý kiến góp phần thúc đẩy phát triển KCN bền vững, tăng lợi thế cạnh tranh 

Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, Ban ngành, các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, các diễn giả đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị quan trọng để các KCN, KKT của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển bền vững.

Cụ thể, liên quan đến kiến nghị về chính sách, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý dành riêng cho bất động sản công nghiệp, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN, KKT nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư phát triển KCN, KKT.

Cần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước các cấp trong phát triển KCN, KKT về vai trò, vị trí của KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế của đât nước; tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban Quản lý KCN, KKT là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản; xây dựng và triển khai chính sách phát triển các KCN, KKT.

Văn phòng Chính phủ phản hồi về Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp bền vững Việt Nam”

Diễn đàn có sự tham gia góp ý của bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KCN, KKT ở cả trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn, một đầu mối, đủ thẩm quyền, đủ năng lực để phát triển các mô hình mới, tiếp cận phương thức quản lý nhà nước hiện đại; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về KCN, KKT phục vụ công tác xúc tiến, thu hút, hợp tác đầu tư và quản lý nhà nước đối với KCN, KKT.

Cần định hướng thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Về quy hoạch cở sở hạ tầng, để tăng cường thu hút đầu tư FDI, ngoài các chính sách ưu đãi thuế và thúc đẩy đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghiệp cũng cần phải ngày một nâng cao về chất lượng, không chỉ đạt các tiêu chí về sản xuất, mà còn phải đảm bảo các yếu tố về phát triển bền vững cũng như mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho nhà đầu tư, cộng đồng lân cận.

Xây dựng các chính sách, pháp luật đảm bảo gắn kết đồng bộ quy hoạch KCN, KKT với phát triển đô thị, dịch vụ trong một phương án tổng thể, thống nhất từ quy hoạch cấp quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoach tỉnh; gắn quy hoạch chuyên ngành với sản xuất với điều kiện phát triển kinh tế có tính đến những yếu tố đặc thù của địa phương như tài nguyên, đất đai, dân cư; đảm bảo sự tương hỗ với quá trình đô thị hóa.

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết vùng và liên kết ngành để kết nối về mặt không gian giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sự phát triển thống nhất trong khu vực và cả nước. Việc liên kết ngành và liên kết vùng được cải thiện, sẽ giúp phát huy thế mạnh của các địa phương, nhưng vẫn đảm bảo việc chia sẻ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, từ đó giúp phát triển đồng đều giữa các KCN, KKT trên cả nước.

Về xu thế chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh, cần hoàn thiện các văn bản và hướng dẫn thực hiện KCN sinh thái. Tăng cường cơ chế phối hợp liên Bộ giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan cho KCN sinh thái (tái sử dụng chất thải rắn và nước thải, cơ chế lắp đặt và sử dụng năng lượng điện mặt trời áp mái trong KCN), lồng ghép các giải pháp KCN sinh thái, phát triển hạ tầng xanh trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH tại các địa phương theo định hướng, lộ trình về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, lộ trình phi carbon hóa của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ phản hồi về Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp bền vững Việt Nam”

Bà Trần Tố Loan, Phó TGĐ Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ về những thách thức khó khăn trong việc chuyển đổi sang KCN sinh thái và đưa ra nhiều đề xuất kiến nghị quan trọng

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các KCN để hoàn thành việc chuyển đổi sang KCN sinh thái và xây dựng các KCN sinh thái mới, hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng xanh cho sản xuất công nghiệp;

Tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN và doanh nghiệp thứ cấp thực hiện KCN sinh thái; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm lan tỏa việc thực hiện mô hình KCN sinh thái.

Tăng cường huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, quỹ tài chính khí hậu, các đối tác chuyển đổi năng lượng, ngân hàng thương mại và khu vực tư nhân nhằm thu hút thêm nguồn lực đẩy nhanh hơn quá trình triển khai KCN sinh thái, phát triển hạ tầng xanh.

Về phát triển nhà ở công nhân, cần quy hoạch, lựa chọn địa điểm, vị trí xây dựng các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thuận lợi, xây dựng những mẫu nhà ở hợp lý, kinh tế và bền vững, đáp ứng yêu cầu và điều kiện sống, lối sống của công nhân các khu công nghiệp. Cần xác định, xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN thuê là chính (có chỗ ở hợp pháp), thay vì mua (để sở hữu nhà). Bởi nhu cầu ở của công nhân phụ thuộc vào thời gian làm việc tại KCN và khả năng kinh tế chưa cho phép. Vì thế cần có khảo sát, điều tra xã hội học về vấn đề này.

Cần sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách chưa phù hợp về đất đai, về vốn đầu tư, về quy hoạch, về phát triển hạ tầng đồng bộ… tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào dự án phát triển nhà ở cho công nhân thuê-mua với giá phù hợp với khả năng thu nhập hàng tháng. Nhà nước cũng cần xem xét việc hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cung cấp nước sạch và tiêu thải nước mưa, nước sinh hoạt… để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân, hay hộ gia đình gần KCN xây dựng, cải tạo nhà trọ cho công nhân thuê đảm bảo về vệ sinh môi trường, về quy định phòng chống cháy nổ và an toàn cho công nhân khi sống trong các nhà trọ…