>> Ô tô điện Trung Quốc quyết tâm mở thị trường Việt Nam

“Trăm hoa đua nở”

Hiện tại, có khoảng 10 thương hiệu ô tô đang sản xuất lắp ráp và phân phối chính hãng xe thuần điện tại Việt Nam, gồm: VinFast, Wuling, Hyundai, Rolls Royce, BMW, Mercedes, Audi, Porsche, Haima, MG. Sắp tới sẽ có thêm một số thương hiệu nữa đến từ Trung Quốc gia nhập thị trường.

Theo các hãng xe, Việt Nam là một trong những thị trường ô tô điện tiềm năng, bởi quy mô dân số hơn 100 triệu người và phần lớn là những người trẻ quan tâm tới công nghệ. Không những thế, GDP bình quân đầu người đạt 4.000 USD và vẫn tiếp tục tăng lên, thời kỳ “ô tô hóa” đang đến. Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và từ 1,5 – 1,8 triệu xe sau năm 2035. Đây là “cơ hội vàng” cho ô tô điện phát triển.

Số ô tô điện tăng nhưng hạ tầng trạm sạc còn thiếu. Hiện hệ thống trạm sạc lớn nhất thuộc về Công ty VinFast với hơn 150.000 cổng, cho cả xe máy và ô tô, đặt tại bãi đỗ xe, bến xe, trung tâm thương mại, trạm xăng dầu… Ngoài ra, còn có một số trạm sạc của bên thứ ba (không bán xe) như: EVIDA, Charg Plus, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… nhưng không nhiều.

Ô tô điện tràn vào Việt Nam, ưu tiên bán hàng, bỏ qua hạ tầng

 Tại Việt Nam hiện chỉ có Công ty VinFast đầu tư lớn vào hạ tầng trạm sạc xe điện.

Tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC Motor) vừa chính thức ra mắt mẫu xe thuần điện MG4 EV tại Việt Nam cho biết, đang nỗ lực kết nối với các đối tác cung cấp giải pháp sạc. Dự kiến đến năm 2025, MG sẽ hợp tác với hơn 10 đơn vị và hướng tới mục tiêu cung cấp hơn 10.000 cổng sạc công cộng tại Việt Nam.

Còn lại các hãng xe khác đều không có chiến lược đầu tư trạm sạc riêng tại Việt Nam. Tập đoàn BYD của Trung Quốc, chuẩn bị cho ra mắt một loạt mẫu xe điện tại Việt Nam cho biết, không phát triển hạ tầng trạm sạc như VinFast. Khách hàng mua xe BYD giai đoạn đầu có thể sạc tại nhà, tại trạm sạc nhanh ở đại lý và của bên thứ 3. Theo quan điểm của BYD, trạm sạc là mảng kinh doanh rất riêng, đây là cơ hội cho bên thứ 3. Nếu thị trường đón nhận tốt xe điện thì hạ tầng tự khắc sẽ phát triển theo.

Những hãng xe như Porsch, BMW, Audi…cũng tương tự, chỉ xây dựng trạm sạc tại các đại lý bán xe của mình và trang bị bộ sạc tại nhà. Đại diện một hãng xe cho biết, để phủ sóng trạm sạc trên toàn quốc phải tốn hàng từ trăm triệu tới hàng tỷ USD, trong khi doanh số bán không nhiều thì rủi ro sẽ rất lớn.

Các hãng xe cho rằng, xu hướng chuyển sang xe điện sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Khi thị trường xe điện đủ lớn thì hạ tầng “trạm sạc” sẽ phát triển theo.

Giải bài toán hạ tầng xe điện

Theo lộ trình của Chính phủ, từ năm 2025 xe bus công cộng được thay thế, đầu tư mới, sẽ chỉ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2030, có khoảng 50% xe bus và tất cả xe taxi thay thế, đầu tư mới, sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2040, hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đây không chỉ là cơ hội cho các hãng xe mà còn cho cả các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng trạm sạc.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định (có hiệu lực từ ngày 5/10/2024), các trạm dừng nghỉ xây dựng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, phải có trạm sạc, cũng như điểm đậu dành riêng cho ô tô điện. Sắp tới sẽ có thêm những quy định tương tự như vậy nữa. Vì vậy, đa số các hãng xe chỉ chú trọng tới khai mở thị trường và bán hàng mà không ưu tiên phát triển hạ tầng.

Ô tô điện tràn vào Việt Nam, ưu tiên bán hàng, bỏ qua hạ tầng

Nhiều hãng xe không có chiến lược đầu tư trạm sạc, khách hàng phải trang bị bộ sạc tại nhà. (Ảnh minh họa)

Với bên thứ 3, việc phát triển hạ tầng trạm sạc không hề dễ dàng. Đại diện Công ty TNHH Charg Plus tại Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển trạm sạc tại Việt Nam còn hạn chế. Tại các khu dân cư đông đúc, các tòa nhà chung cư, hiện có tâm lý e ngại, không muốn lắp trạm sạc điện, vì lo ngại cháy nổ. Một số tòa nhà đã lắp đặt các trạm sạc tại tầng hầm nhưng phải bỏ không, vì bị cư dân phản đối.

Hiện hầu hết các nhà phát triển, các chủ sở hữu căn hộ, các dự án lớn tại Việt Nam chưa coi những người sử dụng xe điện là một nhóm khách tiềm năng. Cùng với đó, các đơn vị phát triển trạm sạc không được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi hay khuyến khích gì, đều phải “tự thân vận động”. Chính sách về xe điện nói chung và trạm sạc nói riêng chưa hoàn thiện và thiếu các quy định cụ thể, nên triển khai mở các trạm sạc rất khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Tư vấn công nghệ Đức Việt (Tp Hồ Chí Minh) cho biết, hạ tầng sạc điện là bài toán cần giải quyết tốt thì ô tô điện mới có thể phát triển. Để chuyển đổi sang giao thông xanh, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ và khuyến khích các hãng xe điện, các doanh nghiệp phát triển hệ thống trạm sạc. Ưu tiên phát triển hạ tầng sạc tại những khu vực đông dân cư sinh sống, những tuyến đường có mật độ giao thông cao. Cùng với đó là đầu tư hạ tầng lưới điện để đáp ứng yêu cầu mở trạm sạc.

Phải bổ sung vào luật Xây dựng, Luật Quy hoạch… các chính sách liên quan đến xe điện hóa. Quy định cụ thể chỉ tiêu về việc trạm sạc xe điện chiếm tỷ lệ bao nhiêu ở hầm gửi xe chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại. Sớm nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật trạm sạc điện và ban hành định mức xây dựng để áp dụng rộng rãi.