Chiến lược có thể khiến Apple “đi sau về trước” trong cuộc đua AI

Apple vừa công bố sản phẩm trí tuệ nhân tạo Apple Intelligence

Vài năm qua, Apple bị tụt lại trong cuộc đua AI là điều mà ai cũng thấy. Trong khi Microsoft đầu tư hẳn 10 tỷ USD vào OpenAI để thúc đẩy các dự án AI, thì Apple đang say mê chế tạo Vision Pro. Theo Bloomberg, Apple chỉ vừa tăng cường đầu tư vào các dự án AI của riêng mình từ cuối năm ngoái. Con số xấp xỉ tầm 1 tỷ USD. Nghe có vẻ nhiều, nhưng chỉ bằng 1/383 tổng doanh thu và 1/100 lợi nhuận của họ.

Tuy nhiên có vẻ họ đang tăng tốc, khi trong Hội nghị các nhà phát triển (WWDC) năm nay, Apple đã tuyên bố dự án Apple Intelligence. Họ hứa hẹn về một tương lai, nơi người dùng chỉ cần ra lệnh là điện thoại sẽ tự đặt lịch hẹn, đặt thời gian, chơi nhạc, kiểm tra giá cổ phiếu hoặc tra cứu thời tiết. Trên thực tế, đó là những thứ Apple từng đưa ra khi giới thiệu trợ lý ảo Siri năm 2011.

Không chỉ vậy, Apple còn dành phần lớn bài thuyết trình để giới thiệu một số tính năng của công cụ AI tạo sinh, chẳng hạn tạo hình ảnh trong Messages hoặc tự viết thư điện tử cho người dùng trong Mail.

Đồng thời, họ cũng thể hiện một loạt hoạt động thực nghiệm với Apple Pencil, với những tính năng như làm mượt chữ viết tay hoặc giải phương trình toán học khi người dùng viết ra. Những trải nghiệm này khiến người dùng tò mò, nhưng có vẻ chúng là một màn trình diễn công nghệ hơn là một công cụ có thể giải quyết các vấn đề thực tế.

Át chủ bài AI của Apple

Chiến lược có thể khiến Apple “đi sau về trước” trong cuộc đua AI

Apple sẽ không đi theo con đường AI thông thường của những bên khác

Theo chia sẻ trên sân khấu của Craig Federighi, phó chủ tịch cấp cao về kỹ thuật phần mềm của Apple, Apple sẽ không đi theo con đường AI thông thường của những bên khác. Thay vào đó, họ muốn xây dựng “một mô hình trí tuệ cá nhân” trên điện thoại “dựa trên bối cảnh cá nhân”.

Điều này được giải thích rõ hơn trong ví dụ của Kelsey Peterson, giám đốc máy học và AI tại Apple. Khi ông hỏi: “Siri, khi nào chuyến bay của mẹ tôi hạ cánh”, Siri sẽ đối chiếu thông tin chuyến bay có trong email, sau đó theo dõi trên các trang trực tuyến. Khi hỏi “Siri, trưa nay ăn gì”, Siri sẽ tìm ra địa chỉ mà người mẹ đã gửi trong tin nhắn. Cuối cùng, để kết thúc hội thoại, ông hỏi “Ra sân bay mất bao lâu”, Siri sẽ phản hồi với một bản đồ kèm các dữ liệu giao thông.

Từ chia sẻ của Federighi và ví dụ của Peterson, có thể thấy rằng Apple đang không cố xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) thật ấn tượng. Bằng chứng là Siri (Apple AI) không tổng hợp hay đề xuất bất kỳ điều gì đặc biệt hơn khi được hỏi, chẳng hạn như “mua hoa cho mẹ”, v.v.. Thay vào đó, Siri đưa ra câu trả lời trực tiếp và cần thiết nhất với người dùng, bằng cách sàng lọc các thông tin qua Mail và Messages (theo thời gian số lượng ứng dụng dùng để lọc thông tin sẽ càng nhiều hơn).

Hay nói cách khác, Apple AI có thể chưa phải là thứ tự vẽ/tổng hợp ra một bức tranh chân thật nhất theo yêu cầu, nhưng nó có thể hiểu và nắm bắt mọi thông tin của người dùng Apple thông qua hàng loạt dữ liệu mà người dùng đã gửi và nhận trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm Apple.

Bộ dữ liệu khổng lồ

Chiến lược có thể khiến Apple “đi sau về trước” trong cuộc đua AI

Đường lối của Apple có thể khiến các đối thủ khác phải dè chừng

Cách tiếp cận như vậy giúp Apple có được lợi thế rất lớn trong cuộc đua AI, ít nhất ở Mỹ.

Gần đây, Microsoft vừa hé lộ khả năng ghi lại tất cả mọi khoảnh khắc trên màn hình máy tính để phục vụ việc phát triển trí nhớ AI. Mặc dù ý tưởng này nghe cực kỳ đáng sợ, thế nhưng nó vẫn chưa thể với đến một thứ còn cá nhân hơn, đó là điện thoại.

Trong khi đó, sản phẩm chủ đạo của Apple là iPhone. Apple chiếm gần 60% thị phần điện thoại tại Mỹ. Ứng dụng tin nhắn Messages cực kỳ phổ biến, đa số người dùng iPhone đều sử dụng. 85% thanh thiếu niên Mỹ sử dụng Messages mỗi ngày.

Điều này đồng nghĩa với việc Apple không cần sở hữu LLM tốt nhất để chạy AI. Họ chỉ cần sở hữu thứ mà AI tham chiếu. Và rõ ràng, tin nhắn cá nhân là một kho dữ liệu tham chiếu khổng lồ.

Apple cho thấy mình gần gũi với người dùng đến mức họ giới thiệu công cụ AI này như một tính năng mà không hề lo lắng về khả năng người dùng có tán thành hay không. Bởi vì họ đang xây dựng nó với mục tiêu (ít nhất trên giấy tờ) là để hỗ trợ người dùng, phục vụ mục đích người dùng.

Tận dụng khả năng tiếp cận

Khi Apple có khả năng truy cập vào dữ liệu cá nhân người dùng (bỏ qua các phản đối hoặc nghi ngờ), thì có nghĩa là họ chẳng cần phụ thuộc vào bất kỳ đơn vị cung cấp AI nào nữa.

Hiện tại, Apple đang hợp tác với OpenAI để đưa ChatGPT vào một số dịch vụ AI của mình. Tuy nhiên về lâu về dài, không có gì đảm bảo Apple sẽ không tự phát triển và vận hành mô hình của riêng họ, hoặc mua bản quyền một LLM nào đó để tự chạy Apple Intelligence và chẳng cần quan tâm đến thế giới bên ngoài.

Ai có thể đối đầu với Apple trong lĩnh vực này? Humane và Rabbit đều gây thất vọng với các sản phẩm của mình. Samsung Galaxy là một đối trọng thú vị nếu có thể hợp tác đúng bên. Google từng hé lộ cách thức Bard AI hoạt động trong Google Messages trên điện thoại Samsung. Tuy nhiên Samsung có lẽ sẽ không bao giờ đào sâu được vào bên trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến như WhatsApp.

Nói cách khác, khi nào Apple còn sở hữu iPhone, chiếc điện thoại có ứng dụng nhắn tin độc quyền và được ưa chuộng, thì khó ai lung lay nổi vị trí của Apple trong cuộc đua AI.