Tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển kinh tế xanh, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất xanh.

Trao đổi với DĐDN, ông Lâm Quang Ninh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết: Công nghệ số và chuyển đổi số là động lực thúc đẩy sự thành công của trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng xanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh của quốc gia.

Không ít doanh nghiệp lúng túng tiếp cận khái niệm chuyển đổi kép, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vừa mới thực hiện chuyển đổi số đã phải tính tiếp chuyển đổi xanh, thưa ông?

Chuyển đổi xanh gắn với chuyển đổi số, như chúng ta vẫn nói là chuyển đổi kép được xác định là lựa chọn chiến lược, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế và công đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đừng nghĩ 2 sự chuyển đổi chiến lược như “bắn hai mũi tên” khiến doanh nghiệp phải theo đuổi, đầu tư cho 2 mục tiêu khác nhau. Thực chất, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cùng hướng đến một mục tiêu đảm bảo cho tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Nói cách khác, chuyển đổi số để chuyển đổi xanh.

Trên nền tảng của khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số góp phần giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả nguồn vốn; sử dụng năng lượng sản xuất tiết kiệm, hiệu quả; vận hành trang thiết bị, máy móc nhanh hơn, chính xác hơn và sử dụng nhân công ít hơn… Chuyển đổi số không chỉ tạo ra sản phẩm, hàng hoá chất lượng tốt hơn, giá thành cạnh tranh hơn, tạo đà cho doanh nghiệp bứt phá nhanh hơn mà còn là công cụ góp phần cải thiện chỉ số xanh cho doanh nghiệp; đo đếm, tính toán mức độ xanh của nhà máy sản xuất sau khi thay đổi dây chuyền sản xuất. Nhìn rộng ra trong chuỗi cung ứng, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tích hợp thông số, dữ liệu của khách hàng để tính toán mức độ, chỉ số xanh của sản phẩm. Ngược lại, không chuyển đổi số, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giảm dần và tụt hậu; không đáp ứng đủ các yêu cầu sản xuất xanh theo yêu cầu của đối tác, doanh nghiệp.

Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh

Ứng dụng cánh tay robot trong sản xuất tại Nhà máy thiết bị gia dụng Sơn Hà-Bắc Ninh. Ảnh: M.Đức

– Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, bài toán chuyển đổi kép có thể tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp?

Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có quy định về phát triển bền vững khắt khe hơn, trong đó nhiều quy định được luật hoá. Doanh nghiệp đã tham gia “cuộc chơi” đều cần chuẩn bị để “chạy”. Đây là yêu cầu không thể trì hoãn. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp cần điều chỉnh, vừa tích hợp mục tiêu xanh vừa ưu tiên dành nguồn lực cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để cạnh tranh, phát triển. Trong điều kiện khó khăn, doanh nghiệp phải cân đối nguồn lực, một số doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi xem các công ty khác đầu tư ra sao, hiệu quả thế nào mới thực hiện.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm trở lại đây, chúng ta đều nhìn thấy, công nghệ mới phát triển rất nhanh, nhất là AI tạo sinh tiến hoá vượt bậc, tạo ra sự thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực. Vì thế, chậm chễ chuyển đổi số có thể khiến doanh nghiệp tụt hậu nhanh hơn.

– Theo ông, doanh nghiệp ở ngành nghề, lĩnh vực nào nên “chạy” nhanh hơn trong chuyển đổi kép?

Hiện nay, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa được tối ưu, chưa mang lại hiệu quả cao khiến cho chi phí liên quan đến quảng cáo, lưu kho, logistics… trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ là lĩnh vực cần chuyển đổi sớm và nhanh là marketing và chuỗi cung ứng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn, đồng thời tạo sức ép và có thêm nguồn lực cho chuyển đổi sản xuất, đầu tư cho dây chuyền, thiết bị.

– Khung pháp lý cho chuyển đổi xanh hiện chưa hoàn thiện khiến doanh nghiệp khó khăn nhất định trong chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, thưa ông?

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm và có các chính sách thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thêm quy định, tiêu chí xanh trong sản xuất để định hướng chuyển đổi xanh nhanh hơn; chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể đẩy mạnh phát triển sản xuất xanh. Chuyển đổi kép cần nguồn lực đầu tư, nhất là ở mảng sản xuất vốn cần chi phí lớn để trang bị hệ thống máy móc, dây chuyền thiết bị hiện đại. Thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời như chương trình tín dụng xanh chẳng hạn, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất ưu đãi.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần phải hiểu sức mình để cân bằng hiệu suất đầu tư chuyển đổi dựa trên nỗ lực, nguồn lực và cả vào mục tiêu chuyển đổi xanh để lựa chọn phương án chuyển đổi số phù hợp. Như vậy, chuyển đổi đạt được hiệu quả tốt hơn là chuyển đổi theo trào lưu. Đặc biệt, ở mỗi giai đoạn của sự chuyển đổi, doanh nghiệp cần nhìn xa để lựa chọn kiến trúc chuyển đổi phù hợp.

– Trân trọng cảm ơn ông!