Tuesday, June 18, 2024

Không để đất vàng ở TP.HCM hoang phí

Những khu đất trống bỏ mặc cho cỏ mọc, những mặt bằng đắc địa phủ bụi vì thiếu cơ chế cho thuê đang khiến tài sản công lãng phí kéo dài. Chính quyền TP.HCM đã nhìn nhận rõ thực trạng này và đang thúc đẩy nhiều biện pháp để giải quyết.

DOANH NGHIỆP “ÔM” ĐẤT RỒI ĐỂ HOANG PHÍ

Bộ TN-MT vừa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 đối với Công ty CP giáo dục G Sài Gòn về việc thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10, TP.HCM). Trả lời Thanh Niên về hướng xử lý tiếp theo, cả Sở TN-MT và UBND Q.10 đều khẳng định tổ chức cưỡng chế thu hồi khu đất “vàng” rộng gần 11.000 m2 này để xây dựng trường THCS đạt chuẩn quốc gia phục vụ nhu cầu trường lớp ngày càng gia tăng của con em trên địa bàn Q.10.

Không để đất vàng ở TP.HCM hoang phí

Cụm 3 khu đất số 352, 558 và 574 Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) do doanh nghiệp nhà nước quản lý hiện bỏ trống

ảnh: NGUYÊN VŨ

Khu đất 419 Lê Hồng Phong là 1 trong 8 địa chỉ nhà đất được nhà nước thu hồi trong quá trình rà soát, xử lý các vi phạm về việc giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích được nêu trong báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của UBND TP.HCM gửi Bộ Tài chính vào đầu tháng 5.2023.

Các khu đất còn lại có thể kể đến như khu đất rộng hơn 29.000 m2 (P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức) do Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm quản lý, sử dụng; khu đất rộng gần 6.300 m2 (P.Bến Nghé, Q.1) do Công ty TNHH thương mại – dịch vụ và xây dựng Việt Hân Sài Gòn nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty lương thực miền Nam; khu đất số 621 Phạm Văn Chí (P.7, Q.6) rộng gần 29.900 m2 của Công ty CP bao bì – kho bãi Bình Tây quản lý, hay khu đất số 52 Thành Thái (P.12, Q.10) rộng hơn 5.700 m2.

Tình trạng đất công không sử dụng hiệu quả được nhiều địa phương phản ánh, đồng thời kiến nghị thu hồi để xây dựng công trình phúc lợi công cộng. Đơn cử như Q.Bình Tân đề xuất thu hồi 7 khu đất của các doanh nghiệp (DN) nhà nước, công ty cổ phần sử dụng không hiệu quả để xây dựng trường học. Đây đều là những khu đất có diện tích lớn, một số đang bỏ trống, bên ngoài quây tôn, bên trong cỏ mọc um tùm. Trong đó, điển hình là cụm 3 khu đất số 352, 558 và 574 đường Kinh Dương Vương thuộc P.An Lạc do DN nhà nước quản lý đang bỏ hoang.

Cũng ở khu vực ngoại thành, UBND Q.12 liên tục kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi 13 khu đất do các tổ chức, DN được giao đất nhưng sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, gây lãng phí tài nguyên đất, để đầu tư xây dựng trường học, công trình công cộng. Trong đó, 2 khu đất của Công ty CP hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex và Trung tâm sâm – dược liệu TP.HCM (thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế) dù UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi đất nhưng 2 đơn vị chưa bàn giao.

LÃNG PHÍ MẶT BẰNG TRÊN ĐẤT VÀNG

Khảo sát của PV Thanh Niên tại một số đơn vị sự nghiệp công lập cho thấy nhiều mặt bằng ở vị trí đắc địa chưa được khai thác hiệu quả, một số nơi cửa đóng then cài. Tính đến cuối năm 2023, TP.HCM có 1.781 đơn vị sự nghiệp công lập, sở hữu nhiều nhà đất nhưng số lượng mặt bằng được khai thác hết công năng khá ít.

Không để đất vàng ở TP.HCM hoang phí

Khu đất của Trung tâm sâm – dược liệu TP.HCM rộng gần 11.000 m² trên đường Phan Văn Hớn (P.Tân Thới Nhất, Q.12) được UBND TP.HCM thu hồi từ năm 2002 nhưng đơn vị sử dụng chưa bàn giao

ảnh: SỸ ĐÔNG

Theo Nghị định 151 năm 2017 của Chính phủ, các đơn vị muốn sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết phải xây dựng đề án gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND TP.HCM để lấy ý kiến Thường trực HĐND hoặc HĐND TP.HCM. Sau đó, trường hợp UBND TP.HCM có quyết định thống nhất thì các đơn vị mới được triển khai thực hiện (kể cả các đơn vị thuộc quận, huyện). UBND TP.HCM giải thích do số lượng đơn vị sự nghiệp công lập nhiều nên quy định trên đã tạo áp lực rất lớn.

Ông Võ Quốc Trường, Trưởng phòng Tài chính – kế hoạch Q.Gò Vấp, cho biết từ năm 2020, Q.Gò Vấp đã xây dựng hàng chục đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Sở Tài chính nhiều lần thẩm định, góp ý nhưng đến nay chưa có đề án nào được UBND TP.HCM phê duyệt. Trong đó, Trung tâm Văn hóa – thể thao Q.Gò Vấp có 2 cơ sở chính được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập, tại 352 Nguyễn Văn Lượng và 485 Phạm Văn Chiêu. Dù vậy, từ khi đầu tư xây dựng đến nay, trung tâm chủ yếu chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chưa tăng cường số môn tập luyện, mô hình hoạt động thể thao – văn hóa phong trào, chưa khai thác tối đa công năng. “Do đơn vị chưa được phê duyệt đề án nên không có cơ sở pháp lý để khai thác, kinh doanh phần diện tích chưa sử dụng hết công suất”, ông Trường giải thích thêm.

Để giúp rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt đề án và giúp UBND các quận, huyện chủ động hơn trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công, Sở Tài chính gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc Chủ tịch UBND TP.HCM phân cấp hoặc ủy quyền cho chủ tịch UBND các quận, huyện được thẩm định và phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, nhưng chưa được chấp thuận.

Khi chưa được phê duyệt đề án, các đơn vị sự nghiệp công lập không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết dẫn đến giảm nguồn thu và tạo thêm áp lực cho ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến các đơn vị sự nghiệp công lập khó nâng mức độ tự chủ theo tinh thần Nghị quyết 19 năm 2017 (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) của Ban chấp hành T.Ư Đảng, nhất là lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao.

CẦN TẬP TRUNG RÀ SOÁT KỸ HƠN

Từ tháng 11.2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 24 về kiểm kê, rà soát quỹ nhà đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn. Thống kê đến cuối tháng 2.2024, quỹ nhà đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 67 năm 2021 (sửa đổi Nghị định 167 năm 2017, quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công) của Chính phủ là 9.295 địa chỉ, trong đó khối cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp là 7.297 địa chỉ và khối DN là 1.998 địa chỉ. Quỹ nhà đất diện nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là 7.921 căn nhà và 9.683 hộ do các công ty dịch vụ công ích cấp huyện và Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, giữ hộ.

Không để đất vàng ở TP.HCM hoang phí

Khu đất 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10, TP.HCM) đang bị chiếm dụng, cho thuê, sử dụng sai mục đích

ảnh: NHẬT THỊNH

Riêng quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư là 9.890 căn hộ và 2.230 nền đất giao cho Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) tiếp nhận quản lý. Ngoài ra, quỹ nhà đất thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý nhưng chưa kê khai, xác lập quản lý nhà nước là 2.380 địa chỉ, tổng diện tích hơn 530 ha.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đánh giá sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 24, việc quản lý, sử dụng nhà, đất công từng bước vào nền nếp, tách biệt nhà ở, đất ở với công sở… Thông qua sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, TP.HCM huy động nguồn lực to lớn bổ sung nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển, góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả KT-XH và tạo nguồn thu cho ngân sách. Dù vậy, thực tiễn quản lý của một số đơn vị vẫn còn thiếu sót như sử dụng không đúng mục đích, nhà đất bị chiếm dụng khó thu hồi, nhà đất trống gây lãng phí…

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết trong các buổi tiếp cử tri, người dân rất quan tâm đến việc quản lý, sử dụng nhà đất công, nhất là tình trạng nhà đất chưa sử dụng, bỏ trống. Đại biểu Ngân cho rằng TP.HCM cần tập trung rà soát kỹ hơn nữa. “Cử tri nói TP.HCM thiếu đất cho giao thông, công viên, trường học thì không có lý gì để tài sản công bỏ hoang, lãng phí”, ông Ngân nói. Đối với tài sản thuộc các cơ quan T.Ư quản lý, đại biểu đề nghị TP.HCM làm việc với các cơ quan này để tháo gỡ.

Về vấn đề quản lý tài sản công, Phó giám đốc Sở TN-MT Huỳnh Văn Thanh nhìn nhận có tình trạng sau khi sắp xếp và cho tiếp tục sử dụng thì có một số nhà đất bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích. UBND TP.HCM đã giao Sở TN-MT lập đề án khai thác ngắn hạn quỹ đất chưa được giao, chưa cho thuê hiện do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

“Những tài sản nhà, đất này hiện chỉ đang rào tôn, vừa tốn chi phí hằng năm, vừa dễ bị lấn chiếm trái phép”, ông Thanh cho biết. Đối với tài sản thuộc cơ quan T.Ư quản lý, Ban chỉ đạo 167 (về sắp xếp, xử lý tài sản công) của TP.HCM chỉ góp ý về quy hoạch, hiện trạng sử dụng và ngành nghề, chức năng kinh doanh để Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản sẽ sắp xếp.
(còn tiếp)

Khai thác tốt sẽ tạo nguồn lực lớn

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhà đất, tài sản công trên địa bàn rất lớn, nếu quản lý khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực rất lớn cho phát triển KT-XH. Đến nay, TP.HCM đã rà soát, thống kê được nguồn tài sản công nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra, nhất là số hóa các địa chỉ nhà đất cũng như chưa phân nhóm tài sản nào bán ngay, loại nào dành để đầu tư khai thác và phát triển mới.

Do vậy, ông Mãi yêu cầu tập trung giải quyết các vướng mắc về pháp lý rồi phân nhóm giải quyết, đồng thời hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình tiếp nhận, chuyển giao, đấu giá tài sản và đầu tư phát triển mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đưa công việc quản lý tài sản công vào nền nếp, bài bản, hiệu quả và tránh những sai sót, tiêu cực.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img