Wednesday, December 25, 2024

Lấy phiếu quyết việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Ngày 11.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 34 cho ý kiến về các nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ủng hộ quan điểm duy trì cấm tuyệt đối nồng độ cồn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng thực tế quy định đã phát huy tác dụng, hiện tiếp tục được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và nhiều đoàn đại biểu QH thống nhất. Tuy vậy, ông Định cho biết qua thảo luận, có 9 đại biểu đồng tình, 7 đại biểu đề nghị cân nhắc, 3 đại biểu đề nghị phương án 2, tức là quy định ngưỡng chứ không cấm tuyệt đối. Từ đó, ông Định cho rằng có thể lấy phiếu xin ý kiến đại biểu QH hoặc không, song dứt khoát phải biểu quyết riêng điều này khi thông qua luật.
Lấy phiếu quyết việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp 34 của UBTVQH

Gia Hân

Theo Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn, qua các ý kiến góp ý thì thấy rằng nên lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu QH về vấn đề này. Tuy nhiên, Chủ tịch QH lưu ý trong phiếu xin ý kiến có thể thiết kế để đại biểu QH thấy phương án nào thuận nhất, có lợi nhất để lựa chọn. “Vì đa số đại biểu QH đồng ý nhưng vẫn còn 9 – 10 đại biểu QH còn ý kiến khác, chúng ta phải thể hiện bằng phiếu”, Chủ tịch QH nêu.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương cho biết, UBTVQH thống nhất lấy phiếu xin ý kiến đại biểu QH về nội dung này. Tuy nhiên, phiếu xin ý kiến chỉ 1 phương án là cấm tuyệt đối nồng độ cồn, đại biểu QH lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý. Cùng đó, cơ quan thẩm tra có thể nghiên cứu thiết kế thêm một số nội dung khác để xin ý kiến đại biểu QH. Căn cứ kết quả lấy phiếu sẽ báo cáo Chủ tịch QH, UBTVQH để quyết định có biểu quyết riêng vấn đề này khi thông qua dự án luật hay không.

Một vấn đề cũng nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên UBTVQH là đề xuất trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Cho biết đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho hay thực tế, hằng năm Bộ Công an được QH phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tỷ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm của Bộ Công an. Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2020 trích lại 70%; năm 2021 trích lại 70%; năm 2022 và 2023 trích lại 79%; từ năm 2024 trích lại cho Bộ Công an 85%, các địa phương 15%. “Quá trình thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật. Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 trích cho Bộ Công an vẫn chưa được cấp do chưa có văn bản hướng dẫn về chi thường xuyên có tính chất đầu tư”, ông Tới thông tin.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị UBTVQH cho giữ lại nội dung này trong dự thảo luật và có chỉnh sửa theo ý kiến đại biểu QH. Cụ thể, dự thảo luật quy định cho phép trích một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của UBTVQH để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn bày tỏ đồng tình về chủ trương, song Chủ tịch QH cũng lưu ý cần phải xem xét kỹ lưỡng, giải trình thuyết phục các đại biểu QH khi bấm nút thông qua.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img