Những chuyện chưa kể của ông chủ Starbucks

Howard Schultz

Doanh nhân Howard Schultz đã chia sẻ thẳng thắn những khó khăn trong ngày đầu thành lập, những điều ông nuối tiếc, cả những cảnh báo về việc đi sai hướng của chuỗi cà phê này.

Đối với khái niệm và mô hình quán cà phê ở Mỹ, có thể nói Schultz là người tiên phong. Ông từng giữ chức chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Starbucks trong khoảng 1986 – 2000 và 2008 – 2017, đồng thời kiêm nhiệm tạm thời vị trí Tổng giám đốc từ năm 2022 đến 2023.

Trong bài phỏng vấn mới nhất và được xuất bản thành podcast phát hành trên Acquired, ông cũng chia sẻ về những cuộc hội ngộ với những nhân vật lừng lẫy như Bill Gates Sr., Steve Jobs, hoặc người sáng lập Costco, Coke, Pepsi, v.v..

Bố của Bill Gates giúp Schultz mua Starbucks

Khoảng cuối những năm 1980, Schultz đang huy động tiền để có thể mua Starbucks từ tay những người sáng lập. Tuy nhiên kế hoạch của ông có nguy cơ đổ vỡ vì một nhà đầu tư tên Samuel Stroum lại đi đàm phán trực tiếp với Starbucks nhằm loại Schultz khỏi thương vụ.

Để giải quyết tình hình, Schultz đã cố gắng nhờ một người bạn sắp xếp một cuộc gặp gỡ với Bill Gates Sr, tức bố của nhà sáng lập Microsoft Bill Gates. Sau khi nghe câu chuyện của Schultz, ông đã dẫn Schultz đến văn phòng của Stroum.

Những chuyện chưa kể của ông chủ Starbucks

Bố của Bill Gates giúp Schultz mua Starbucks

Theo như lời kể của Schultz, Bill Gates Sr. đã nói với người này rằng: “Tôi không biết anh đang có dự định gì. Nhưng dù sao đi nữa, nó cũng chẳng xảy ra đâu. Howard Schultz sẽ mua lại Starbucks Coffee. Và anh ta sẽ không bao giờ nghe thêm tin tức gì từ anh nữa”.

Theo tiết lộ từ Schultz, Bill Gates Sr. không chỉ giúp ông ngăn chặn được mối đe dọa lần đó, mà còn hỗ trợ tài chính trong quá trình Schultz tiếp quản Starbucks.

Schultz hối hận vì để vụt mất hai sáng chế

Khi Schultz đang tìm nguồn cung cấp ly và nắp cà phê cho Starbucks, thay thế nhà cung cấp Styrofoam từ xưa giờ, thì trong quá trình đó Styrofoam lại sản xuất ra một chiếc nắp mà Schultz mô tả là “rất xinh”. Kiểu nắp đó hiện nay đang có mặt trên khắp thế giới và trở thành tiêu chuẩn. Schultz tỏ ra hối tiếc vì khi ấy không yêu cầu Styrofoam bán độc quyền mẫu nắp ấy cho mình.

Điều thứ hai khiến Schultz hối tiếc là cà phê latte. Ông chia sẻ rằng Starbucks là bên đưa cà phê latte đến Mỹ, nhưng lại không đi đăng ký nhãn hiệu. Về sau, họ rút kinh nghiệm và đăng ký Frappuccino, nhưng có vẻ Schultz vẫn chưa lúc nào ngừng hối tiếc vì bỏ lỡ cơ hội đăng ký nhãn hiệu latte.

Hợp tác với Costco và United Airlines khiến một số người nổi giận

Những chuyện chưa kể của ông chủ Starbucks

Starbucks gặp thất bại khi hợp tác với United Airlines

Jeff Brotman, người đồng sáng lập chuỗi siêu thị Costco, từng giúp đỡ Schultz về mặt tài chính trong quá trình tiếp quản Starbucks năm 1987, đồng thời là thành viên HĐQT lúc ban đầu. Ông cùng với Jim Sinegal, cựu Tổng giám đốc Costco, cũng giữ vai trò cố vấn của Schultz.

Schultz kể rằng bộ ba đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là bán cà phê Starbucks ở Costco. Tuy nhiên kế hoạch này bị phản tác dụng, khi doanh số Starbucks ở Costco không tăng, mà lại tăng doanh số ở những cửa hàng gần Costco.

Khi hợp tác với United Airlines để hãng bay này bán cà phê của mình, Schultz cũng gặp thất bại tương tự. Theo ông, nguyên nhân là vì Starbucks đã cố gắng tiếp cận và gây bất ngờ cho khách hàng tại những địa điểm mà họ chưa bao giờ nghĩ mình có thể uống cà phê ngon.

Lời khuyên của Steve Jobs

Schultz kể lại rằng có một thời điểm Starbucks gặp khó khăn, vậy nên ông quyết định đi dạo với Steve Jobs. Sau khi nghe câu chuyện từ Schultz, Jobs đã đưa ra một lời khuyên khuyến ông “hết hồn”, đó là “sa thải tất cả ban lãnh đạo”.

Lúc ấy, Schultz cho rằng đó là lời đùa, vì sa thải mọi người là điều không tưởng. Nhưng Jobs đã hét lên và lặp lại lần nữa lời khuyên, đồng thời khẳng định rằng trong 6 tháng, hoặc 9 tháng tiếp theo, tất cả ban lãnh đạo sẽ ra đi.

Lời của Jobs đã trở thành hiện thực, khi tất cả thành viên ban lãnh đạo của Starbucks, chỉ trừ tổng cố vấn, đã từ bỏ vị trí của mình.

Mối nguy hiểm của ứng dụng di động

Những chuyện chưa kể của ông chủ Starbucks

Ứng dụng Starbucks

Về ứng dụng Starbucks trên điện thoại, Schultz thẳng thắn bày tỏ rằng đó là “điểm yếu chết người nhất đối với Starbucks”.

Theo Schultz, ứng dụng cho phép người dùng đặt cà phê Starbucks qua điện thoại này có thể làm xói mòn ý thức về cộng đồng và một “không gian chung”, thứ mà ông xem là cốt lõi của một cửa hàng Starbucks. Đồng thời, ứng dụng cũng có thể khiến nhân viên choáng ngợp với lượt đặt hàng, dẫn đến chậm trễ và nhầm lẫn, tạo nên ấn tượng không tốt đối với khách hàng.

Kế hoạch của Schultz là sớm hạn chế tính năng của ứng dụng này để kiểm tra các tác động, thay vì để nó hoạt động 24/7 như bây giờ.

Ông chia sẻ: “Starbucks không phải là một công ty giải khát chuyên phục vụ cà phê, mà là một công ty cà phê chuyên phục vụ mọi người. Chúng tôi không thể để ứng dụng di động trở thành chuyến tàu nhanh làm loãng đi trải nghiệm của khách hàng tại Starbucks.”

Starbucks đang có định hướng không tốt

Schultz cảnh báo rằng Starbucks đang có nguy cơ rơi vào trạng thái kiêu ngạo, tự mãn và bảo thủ.

Ông cho rằng điều tồi tệ nhất đối với một công ty là nghĩ mình làm gì cũng thành công và mình xứng đáng với thành công, từ đó tạo nên tâm lý chơi an toàn, không còn đầu óc tấn công, khai phá. Ông cho rằng theo thời gian, điều này đã xảy ra với Starbucks.

Ông chỉ trích rằng ban lãnh đạo Starbucks đã không đầu tư đủ, đồng thời lại sử dụng việc mua lại cổ phiếu để tăng thu nhập trên mỗi cổ phần. Ông khẳng định “công ty đang đi theo hướng tầm thường, ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về điều đó”.