Kênh Trần Thành Ngọ là một trong những ‘điểm đen’ gây ô nhiễm cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bất ngờ có màu nước từ đen chuyển sang màu hồng trong những ngày gần đây.
Đau xót nhìn kênh Trần Thành Ngọ bị “bức tử” nhiều năm qua, ông H. (người dân P.Dị Sử), cho biết nước ở kênh này ô nhiễm 7 – 8 năm nay rồi, năm nào người dân cũng phải dùng nguồn nước này để cấy lúa.
“Nước kênh khoảng 7 ngày nay chuyển sang màu hồng, có lúc màu đỏ lòm. Đặc biệt là vào trời mưa, nó còn nổi váng màu vàng khiến người dân chúng tôi rất lo lắng”, ông H. nói và cho hay, khi thấy màu nước lạ, ông đã báo cáo cán bộ thôn nhưng không thay đổi.
Cá nhân ông H. và nhiều người dân trong P.Dị Sử cho rằng, nước màu hồng mà Nhà máy Xử lý nước thải số 2 xả ra kênh Trần Thành Ngọ là loại nước nguy hiểm.
Dòng nước thải màu hồng đổ ra kênh Trần Thành Ngọ ở thời điểm hiện tại (ảnh trái) và dòng nước thải trong vắt Nhà máy Xử lý nước thải số 2 thải ra kênh hồi giữa tháng 4 (ảnh phải)
ĐÌNH HUY
“Đã là nhà máy xử lý nước thải mà đổ loại nước này ra sông là không thể chấp nhận được. Cán bộ môi trường cũng đến kiểm tra rồi nhưng ô nhiễm vẫn không thay đổi, cuối cùng người dân vẫn là người chịu hậu quả”, ông H. nói rồi chỉ vào những vết thương ở chân đang sưng tấy do tiếp xúc với nguồn nước tại kênh Trần Thành Ngọ.
Nước thải màu đỏ vẫn đạt chỉ tiêu?
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Nhà máy Xử lý nước thải số 2 (Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B) bắt đầu đi vào hoạt động từ giữa tháng 4 với công suất 8.000 m3/ngày đêm với kinh phí đầu tư khoảng 159,1 tỉ đồng. Nhà máy được vận hành bởi Công ty CP phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối.
Liên quan đến màu nước nhuộm hồng kênh Trần Thành Ngọ, ông Trần Đăng Anh, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên, cho biết đơn vị đã nhận được thông tin và cho cán bộ xuống kiểm tra, lấy mẫu test trực tiếp. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra và quan trắc tự động nước thải ra môi trường từ ngày 1.6 đến nay với 2.671 số liệu vẫn đạt chỉ tiêu, kể cả những lúc màu đỏ.
Ông Đăng Anh cho biết, tình trạng nước thải có màu đổ ra môi trường đã xuất hiện khoảng gần 10 ngày nay và trong quá khứ cũng từng xảy ra. Nguyên nhân bắt nguồn từ công ty trong Khu công nghiệp Phố Nối B sử dụng thuốc nhuộm hoàn nguyên nên nhà máy nước thải khó xử lý, tức là kết quả đạt nhưng “màu không chấp nhận được”.
“Ngày 13.6, Sở TN-MT sẽ có cuộc họp để yêu cầu Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B tăng cường các biện pháp xử lý, khắc phục. Khi công ty sử dụng thuốc nhuộm hoàn nguyên thì phải có thêm tháp hấp thụ trong nhà máy, nếu để màu nước vẫn như thế thì không ổn”, ông Đăng Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Tô Ngọc Cường, Phó tổng giám đốc Công ty CP phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối, khẳng định dù nước thải có màu hồng nhưng chỉ tiêu kiểm tra ngày thường vẫn đạt. “Trong ngành dệt nhuộm có màu đỏ là màu hoàn nguyên, mạch màu này rất khó phá nên sau khi xử lý vẫn để lại ánh hồng”, ông Cường nói và cho hay, phía công ty đang có thêm giải pháp dùng than hoạt tính để xử lý.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã đăng loạt bài về tình trạng đầu độc kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong đó, nước thải từ Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B là một trong những “điểm đen” về ô nhiễm. Nước thải từ khu công nghiệp này đổ ra kênh Trần Thành Ngọ rồi hòa vào nước sông Bắc Hưng Hải.
Sau đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra các quyết định xử phạt hành chính đối với 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may với tổng số tiền 1,05 tỉ đồng do có vi phạm về môi trường khi xả nước thải trái phép vào hệ thống thoát nước mưa của Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B.
Đáng chú ý, sau loạt bài này, ngày 3.4, PV Thanh Niên đã liên hệ với Bộ TN-MT để tìm hiểu về công tác quản lý, trách nhiệm cũng như giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nhưng tới nay vẫn chưa được trả lời.
Nguồn: thanhnien.vn