Tuesday, June 18, 2024

Ra mắt nguyên tác của anime ‘Thiếu nữ địa ngục’ nổi tiếng

Là một trong những nhà văn tiên phong với các cốt truyện siêu thực, có màu sắc khoa học viễn tưởng khác lạ… ở Nhật Bản, Yumeno Kyūsaku là tác giả được đánh giá cao. Trong đó, truyện ngắn ‘Cô gái hỏa tinh’ thuộc tập ‘Thiếu nữ địa ngục’ của ông là tác phẩm nổi tiếng hơn cả, khi đã nhiều lần được chuyển thể thành live action người đóng và anime hoạt hình.

Tập truyện Thiếu nữ địa ngục (Lightbook và NXB Phụ nữ VN ấn hành, Như Nữ dịch) gồm 3 truyện ngắn: Chuyện chẳng đáng gì, Rơ le sát nhân Cô gái Hỏa tinh, được viết vào năm 1936, trùng lúc nhà văn qua đời. Cả 3 theo đó đều có màu sắc đen tối, bám theo hành vi của những nhân vật có tâm lý khác biệt và rất khó đoán. 

Nhân vật chính của các tác phẩm đều là những người phụ nữ. Họ có hành động và lối cư xử khá kỳ lạ, đôi khi biến thái bởi nhiều lý do mà một trong số đó là bởi góc nhìn thiếu thiện cảm của xã hội dành cho nữ giới lúc bấy giờ. Sử dụng những chất liệu này, Yumeno Kyūsaku đã cho thấy tâm lý phức tạp của con người cũng như phơi bày cả một hệ thống giúp hiện thực hóa sự thiếu công bằng. 

Ra mắt nguyên tác của anime 'Thiếu nữ địa ngục' nổi tiếng

Tác phẩm Thiếu nữ địa ngục

T.D.

Chẳng hạn trong truyện ngắn đầu tiên Chuyện chẳng đáng gì xoay quanh cô y tá Himekusa Yuriko. Cô tự giới thiệu mình 19 tuổi, đến từ gia đình danh giá và là “ngôi sao sáng chói” ở những bệnh viện mình từng kinh qua. Bởi nhiều lý do mỗi lần mỗi khác, cô đến với nơi làm việc của bác sĩ Utsuki để bắt đầu lại một cuộc sống mới. Tại đây cô tự nhận mình có quen biết với bác sĩ Shirataka nổi tiếng, vốn là “đàn anh” của Utsuki ở Đại học Y.

Thế nhưng khi được bác sĩ Utsuki nhờ giới thiệu mình với Shirataka, thì những sự thật mới dần vỡ lở. Theo đó để giữ cho mình một vị trí riêng, Yuriko đã liên tục nói dối và ngày càng nói dối nhiều hơn, để đến một lúc sự nói dối ấy dần sụp đổ như những quân bài domino. Có thể nói, nhân vật này những tưởng xây nên một thiên đường đẹp mà không thể biết hóa ra nó lại sẽ là địa ngục và nhấn chìm cô. 

Hay ở truyện ngắn thứ 2 Rơ le sát nhân, một nữ phụ xe dù biết người mình vừa cưới có tiền sử sát hại những người phụ nữ, lại vẫn cưới y chỉ vì quá yêu. Hiện tượng nói trên ở thời hiện tại có thể được hiểu như là hội chứng Stockholm, khi nạn nhân có cảm tình với người đã hãm hại mình. Điều này cho thấy sự thiếu lựa chọn của nhân vật ấy, khi phải sống trong bầu không khí ngột ngạt, ám ảnh quá lâu, khiến cho tâm trí từ từ vụn vỡ, buộc phải chấp nhận. 

Trong khi đó truyện ngắn thứ 3 Cô gái hỏa tinh lại được viết ra như một chuỗi liên hoàn những sự trả thù trước sự giả trá và thói đạo đức giả của những người nắm giữ quyền lực, thường trực khoác lên mặt nạ giả trá. Từ sự tuyệt vọng, không được công nhận, cô gái với tương lai rộng mở đã hy sinh mình để mà đổi lấy tiếng nói công bằng. 

Ra mắt nguyên tác của anime 'Thiếu nữ địa ngục' nổi tiếng

Bản chuyển thể live-action Thiếu nữ địa ngục ra mắt vào năm 2019

IMDb

Qua 3 truyện ngắn, ta có thể thấy được sự ngột ngạt và đầy chuyên quyền của một thời kỳ mà tính nam gia trưởng chi phối, ảnh hưởng lên rất nhiều thứ, khiến cho cuộc sống của người phụ nữ lâm vào ngõ cụt, không có đường ra. Họ liên tục thấy đang bị đe dọa đến giá trị tồn tại trong xã hội, từ đó hoặc họ hết sức để ngụy trang cho một quá khứ không được hoàn hảo, chờ đợi cơ hội để mình vươn lên, hoặc là tuyệt vọng chọn hướng ngược lại.

Thế nhưng có một điểm chung mà họ không ngờ là những thiên đường ấy rồi sẽ hóa thành địa ngục đen tối. Và Thiếu nữ địa ngục có thể được hiểu là một nơi chốn để các nhân vật bị giam hãm, nhưng cũng đồng thời là việc gieo rắc những địa ngục này đến cho người khác mà không hề biết.

Bằng sáng tạo độc đáo, cách xây dựng không khí đen tối, hồi hộp, kết hợp cùng kiến thức tâm lý học mới mẻ, Yumeno Kyūsaku đã tạo ra những nhân vật có chiều sâu nội tâm, qua đó cũng phản ánh đời sống Nhật Bản vào những năm đầu của thế kỷ 20 với nhiều hạn chế và sự thiếu công bằng vẫn còn ngự trị.

Yumeno Kyũsaku (1889 – 1936) tên thật là Sugiyama Yasumichi, một nhà văn trinh thám nổi tiếng người Nhật sống đầu thời Showa. Bút danh của ông có nghĩa là “người luôn mơ mộng”. Ông được biết đến với vai trò tiên phong trong chủ nghĩa siêu thực, là người khai mở lĩnh vực khoa học viễn tưởng hiện đại trong văn học Nhật. Những tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: Binzume jigoku (tạm dịch: Địa ngục trong chai), Shoujo jigoku (Thiếu nữ địa ngục) và Dogra Magra.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img