Tuesday, June 18, 2024

Trường ĐH nghìn tỉ, nguồn thu đến từ đâu?

Nguồn thu các trường ĐH công lập liên tục tăng những năm qua, các trường này chiếm đa số trong danh sách nhóm trường “nghìn tỉ”. Dù nguồn thu từ học phí vẫn chiếm đa số nhưng tỷ lệ có chiều hướng giảm dần ở một số trường ĐH.

Điều này cho thấy các trường ĐH công lập của VN đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào đóng góp của người học.

DOANH THU CÁC TRƯỜNG ĐH công lập tăng mạnh

Góp mặt trong số các trường ĐH VN có doanh thu lên tới trên 1 nghìn tỉ đồng mỗi năm, hầu hết trường thuộc nhóm công lập. Doanh thu các trường ĐH công lập đang tăng mạnh trong các năm gần đây.

Trường ĐH nghìn tỉ, nguồn thu đến từ đâu?

Thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM làm thủ tục nhập học

NHẬT THỊNH

Chẳng hạn, ĐH Kinh tế TP.HCM tăng từ 1.447 tỉ đồng năm 2022 lên hơn 1.679 tỉ đồng năm 2023. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế quốc dân từ mức 1.061 tỉ đồng năm 2022 tăng lên hơn 1.186 tỉ đồng năm 2023. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng tăng từ 843 tỉ đồng năm 2022 lên trên 1.010 tỉ đồng năm 2023…

Hầu hết các trường công lập có tổng nguồn thu cao nhất đều thuộc nhóm trường tự chủ. Trong đó, nguồn tiền từ ngân sách nhà nước giảm xuống và tăng thu từ người học. Nguồn thu các trường ĐH công lập hiện được chia thành 3 phần chính: học phí, ngân sách nhà nước và các nguồn khác.

Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu các trường này vẫn từ học phí. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các trường khác nhau và trong mỗi trường có thay đổi theo các năm.

TĂNG THU NHƯNG GIẢM TỶ LỆ TỪ HỌC PHÍ

Đáng chú ý là những trường ĐH công lập có xu hướng tăng nguồn thu nhưng giảm dần nguồn thu từ người học, ví dụ ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo định hướng chiến lược đến năm 2030, trường sẽ đẩy mạnh nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nguồn thu xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Trong đó, riêng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học trường đặt mục tiêu nguồn thu chiếm tỷ trọng 10% tổng nguồn thu. Đồng thời với đó là giữ ổn định mức thu từ nguồn thu học phí.

Tiến sĩ PHAN HỒNG HẢI (Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)

Cụ thể, năm 2020 trong tổng nguồn thu trên 1.125 tỉ đồng của ĐH Bách khoa Hà Nội thì nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đào tạo đạt trên 780 tỉ đồng (chiếm 69,3%). Ngoài ra, nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ chính sách và nghiên cứu khoa học, ngân sách cấp đầu tư (ODA), thu từ các đề tài nghiên cứu khoa học nguồn từ sở địa phương và quỹ. Đến năm 2021, trong tổng nguồn thu hợp pháp là 1.425,8 tỉ đồng, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đào tạo 884 tỉ (62%). Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ chính sách và nghiên cứu khoa học chiếm 3,4%; ngân sách cấp đầu tư (ODA) chiếm 22,3%; thu từ các đề tài nghiên cứu khoa học nguồn từ sở địa phương và quỹ chiếm 5,9%.

Xu hướng giảm tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động đào tạo tiếp tục trong năm 2022 khi tổng nguồn thu trường đạt 1.425,2 tỉ đồng thì doanh thu từ hoạt động dịch vụ đào tạo đạt 878,8 tỉ đồng (chiếm 61,66%). Hoạt động dịch vụ đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội gồm nguồn thu từ hoạt động đào tạo (học phí), phí và lệ phí, dịch vụ đào tạo theo hợp đồng, hoạt động tài trợ.

Dù nguồn thu từ học phí vẫn chiếm đa số nhưng tỷ lệ thu từ người học có xu hướng giảm dần tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Theo báo cáo công khai của trường năm học 2021 – 2022, trong tổng 804,6 tỉ đồng thì học phí đạt 730,7 tỉ đồng (chiếm tới 90,8%). Nhưng ở năm học 2022 – 2023, trong số 843 tỉ đồng thu thì 740 tỉ đồng thu từ học phí (87,78%). Số còn lại 14 tỉ đồng từ ngân sách, 4 tỉ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, 85 tỉ đồng từ nguồn thu hợp pháp khác. Năm 2023 tỷ lệ nguồn thu từ người học tiếp tục giảm khi trong tổng thu 1.010,1 tỉ đồng thì nguồn thu từ học phí là 860,9 tỉ đồng (chiếm 85%).

Trường ĐH nghìn tỉ, nguồn thu đến từ đâu?

Nhiều trường ĐH công lập có xu hướng tăng nguồn thu nhưng giảm dần nguồn từ người học

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết mức thu học phí tăng theo lộ trình theo quy định nhà nước và các nguồn thu khác từ dịch vụ đào tạo ngắn hạn, nguồn thu hỗ trợ doanh nghiệp cũng đóng góp làm gia tăng nguồn thu của trường. “Theo định hướng chiến lược đến năm 2030, trường sẽ đẩy mạnh nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nguồn thu xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Trong đó, riêng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học trường đặt mục tiêu nguồn thu chiếm tỷ trọng 10% tổng nguồn thu. Đồng thời với đó là giữ ổn định mức thu từ nguồn thu học phí”, tiến sĩ Hải nói thêm.

Trong khi đó, một số trường công lập khác hiện có nguồn thu đa dạng và học phí đang chiếm tỷ lệ trên mức 60% tổng nguồn thu. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là đơn vị có tỷ lệ thu từ học phí không cao trong tổng nguồn thu chung. Theo báo cáo thường niên năm học 2023 – 2024, lần đầu tiên trường đạt tổng nguồn thu trên 1 nghìn tỉ đồng. Trong trên 1.003 tỉ đồng, trường nhận từ ngân sách 102,4 tỉ đồng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 44,4 tỉ đồng; nguồn hợp pháp khác 184,4 tỉ đồng. Đáng chú ý, trường thu từ học phí 672,5 tỉ đồng (chiếm gần 67%).

Tương tự, ĐH Kinh tế TP.HCM cũng là đơn vị có nguồn thu đa dạng từ nhiều hoạt động. Tổng nguồn thu năm 2022 của trường đạt 1.443,4 tỉ đồng và trong đó từ học phí là 960,9 tỉ đồng (chiếm 66,57%). Còn lại, trường thu từ ngân sách 6,4 tỉ đồng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 363,2 tỉ đồng và nguồn hợp pháp khác 112,9 tỉ đồng.

Chia sẻ về con số này, PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng sau học phí, nguồn thu chính của trường đang đến từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ví dụ năm 2022, trong nguồn thu 1.443 tỉ đồng có hơn 363 tỉ đến từ hoạt động nghiên cứu chuyển giao. Mức đóng góp của nguồn này trong 5 năm qua liên tục tăng, từ chỗ chỉ có 8 tỉ đồng năm 2018 đã tăng lên hơn 363 tỉ đồng năm 2022. (còn tiếp) 

Các trường trong danh sách doanh thu nghìn tỉ đồng

Năm 2022 thống kê cả nước chỉ có 9 trường ĐH đạt doanh thu nghìn tỉ đồng. Cụ thể gồm: Trường ĐH Kinh tế quốc dân đạt 1.061 tỉ đồng, ĐH Bách khoa Hà Nội đạt 1.425,2 tỉ đồng, Trường ĐH FPT 1.292 tỉ đồng, Trường ĐH Văn Lang 1.758 tỉ đồng, ĐH Kinh tế TP.HCM 1.447 tỉ đồng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 1.162 tỉ đồng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM 1.145 tỉ đồng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng 1.067 tỉ đồng và Trường ĐH Cần Thơ 1.119 tỉ đồng.

So với danh sách những trường đã xuất hiện năm trước, năm 2023 có thêm 2 trường ĐH công lập mới vào nhóm gồm: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong số 9 trường đạt doanh thu nghìn tỉ đồng năm 2022, một số trường doanh thu tiếp tục tăng trong năm 2023. Ví dụ, ĐH Kinh tế TP.HCM có tổng nguồn thu hợp pháp hơn 1.679 tỉ đồng, tăng hơn 200 tỉ đồng. Nhiều trường ĐH trong nhóm trên hiện chưa công khai tổng nguồn thu năm 2023.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img