Sunday, January 19, 2025

Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 – 1919) những nguồn tư liệu mới

Năm 2018, Phạm Thị Kiều Ly bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ĐH Sorbonne Nouvelle (Pháp), sau đó chị tiếp tục chỉnh lý và cập nhật luận án, in thành sách năm 2022 với nhan đề Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615 – 1919). Tác phẩm này vừa được Thanh Thư dịch, Omega Plus và NXB Văn học ấn hành có tựa Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 – 1919).

Kế thừa và tiếp bước các thế hệ học giả tiền bối như nhà VN học Léopold Cadière (tức Cố Cả), Thanh Lãng, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Đỗ Quang Chính… trong địa hạt nghiên cứu “ngữ học truyền giáo”, Phạm Thị Kiều Ly hoàn thành cuốn sách rất kỳ công. Nếu công trình Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 – 1659 của Linh mục Đỗ Quang Chính (Tủ sách Ra khơi, 1972, tái bản nhiều lần) giới hạn khung thời gian nghiên cứu và chỉ tập trung khai thác tài liệu trong văn khố dòng Tên ở Roma thì Phạm Thị Kiều Ly đi xa hơn, không chỉ đẩy mốc thời gian nghiên cứu về năm 1615 – thời điểm các giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đặt chân đến Đàng Trong, mà còn mở rộng khai thác nhiều nguồn tư liệu mới hơn từ các kho lưu trữ ở Roma, Paris, Lisbon, Ávila và Madrid.

KHẮC HỌA CÔNG LAO CỦA NGƯỜI VIỆT

Lịch sử chữ quốc ngữ song hành với lịch sử truyền bá đạo Ki-tô ở Đại Việt (nay là VN) kể từ thập niên 1620 ở Đàng Trong và sau đó là Đàng Ngoài, và được tiếp nối ở thời kỳ thực dân Pháp tiến hành cuộc viễn chinh Nam kỳ dẫn đến thời kỳ Pháp đô hộ Đại Nam (nay là VN), với các chính sách dần đưa chữ quốc ngữ vào sử dụng trong các văn bản hành chính, học chính, báo chí, đặc biệt là cột mốc bãi bỏ kỳ thi Hội cuối cùng ở Huế năm 1919, nhằm dần dần đoạn tuyệt với Hán tự cũng như ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa…

Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919) những nguồn tư liệu mới

TS Phạm Thị Kiều Ly

NVCC

Trước đó, về mặt chính trị, người Pháp đã tách ảnh hưởng của Trung Hoa khỏi Đại Nam kể từ hòa ước Giáp Thân (6.6.1884) và hòa ước Thiên Tân (9.6.1885), Pháp coi quyền tông chủ của Trung Hoa với Đại Nam chỉ còn là nghi thức ngoại giao, Trung Hoa coi như thừa nhận hòa ước Giáp Thân giữa Pháp và Đại Nam.

Sáng tạo chữ quốc ngữ hay quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Việt là trường hợp đặc biệt ở Viễn Đông – ngôn ngữ duy nhất trong khu vực ngày nay dùng bảng chữ cái gọi là La-tinh.

Bấy giờ, khi đến Đại Việt truyền giáo, các thừa sai dòng Tên đã dùng hai công cụ chính để học ngôn ngữ mới là “ghi âm của các ngôn ngữ đó bằng mẫu tự La-tinh và miêu tả ngôn ngữ đó theo mô hình ngữ pháp La-tinh”.

Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919) những nguồn tư liệu mới

Bìa sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 – 1919)

QUANG DIỆU

Toàn bộ quá trình này được Phạm Thị Kiều Ly diễn giải một cách thấu đáo trong công trình Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 – 1919), bên cạnh đó tác giả cũng phần nào khắc họa được vai trò và đóng góp của các thầy giảng người Việt trong tiến trình hình thành và phát triển chữ quốc ngữ, hoặc các giáo sĩ dòng Tên và các linh mục Hội Thừa sai Paris có sự chống đối nhau và có khác biệt về mục tiêu đào tạo linh mục bản xứ người Việt nên họ đã thực hiện các chính sách ngôn ngữ khác nhau, tuy nhiên cả hai bên đều coi chữ quốc ngữ là công cụ hữu hiệu để học tiếng Việt…

CUNG HIẾN MỘT TÁC PHẨM TẦM VÓC VÀ BỀ THẾ

Nhà nghiên cứu Phạm Thị Kiều Ly bộc bạch đầu sách rằng “mục đích của cuốn sách này là cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh nhất có thể dựa trên việc khai thác tư liệu” mà chị đã tiếp cận được, và công trình này “chỉ khiêm tốn góp một viên gạch nhỏ vào việc làm sáng tỏ tiến trình lịch sử 400 năm qua”.

Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919) những nguồn tư liệu mới

Gia Định báo số 1 năm 1867 nói về việc dạy “chữ quốc ngữ” (cột trái)

Thư viện Quốc gia Pháp

Sự khiêm tốn đó không thể làm mờ đi những đóng góp quan trọng và mới của công trình Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 – 1919) cho vấn đề nghiên cứu về lịch sử chữ quốc ngữ, ví dụ như: Đặt sự sáng tạo ra chữ quốc ngữ trong bối cảnh chung của ngữ học truyền giáo trên toàn thế giới; phục dựng lại được khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ quốc ngữ nhờ việc sưu tầm và phân tích một số lượng lớn các thủ bản; chỉ ra được những mốc thời gian quan trọng như chữ La-tinh của tiếng Việt đầu tiên xuất hiện trong văn bản năm 1617 trong khi các học giả tiền bối cho rằng chưa xuất hiện trong thư tịch trước năm 1621, hay “hội nghị” đầu tiên về chữ quốc ngữ của các thừa sai ở Macau (Trung Hoa) năm 1630…

Qua Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 – 1919), tác giả Phạm Thị Kiều Ly đã dày công khai thác tư liệu và nghiên cứu, cung hiến cho độc giả một tác phẩm có tầm vóc bề thế nhất từ trước đến nay, về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ. Bên cạnh việc đúc kết một lịch sử chữ viết, Phạm Thị Kiều Ly còn lồng vào đó những câu chuyện không kém phần quan trọng là lịch sử truyền giáo, lịch sử – chính trị VN từ thời quân chủ đến thời thuộc địa và bảo hộ, và phần nào đó là những câu chuyện về lịch sử báo chí, văn hóa, giáo dục ở VN một thời đoạn. 

Phạm Thị Kiều Ly bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Sorbonne Nouvelle (Pháp) năm 2018 về lịch sử chữ quốc ngữ, lịch sử ngữ pháp tiếng Việt và ngữ học truyền giáo. TS Phạm Thị Kiều Ly hiện là giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên Viện Nghiên cứu lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ – Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img