Hôm nay Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bắt đầu chuyến công du ba nước gồm New Zealand, Australia và Malaysia. Đây được xem là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh những thách thức kinh tế và an ninh ngày càng gia tăng.
Thông điệp của Trung Quốc
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường diễn ra vào thời điểm quan trọng giữa nước này với New Zealand, Australia và Malaysia.
Trong một tuyên bố đưa ra chiều 11/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết, năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới New Zealand và Australia, đồng thời kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc với 2 quốc gia này, cũng là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia.
Ông cho biết, Trung Quốc hy vọng thông qua chuyến thăm này tăng cường liên lạc, tin cậy, hợp tác, củng cố tình hữu nghị và thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc-New Zealand phát triển lành mạnh và ổn định.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand trong nhiều năm, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 30% xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Cường diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Liên minh châu Âu (EU) đang leo thang. New Zealand là quốc gia có thái độ tương đối ôn hòa với Trung Quốc. Do vậy, chuyến thăm được nhận định là nhằm gửi đi tín hiệu chính trị rằng Trung Quốc vẫn có thể có quan hệ tốt với các nước phương Tây.
Trước việc chính phủ trung hữu của New Zealand, mới nhậm chức vào cuối năm ngoái, đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước phương Tây như Australia, Mỹ và Anh, đồng thời đang xem xét có nên tham gia Hiệp ước đối tác an ninh giữa 3 nước (AUKUS) mà Trung Quốc phản đối hay không, Bắc Kinh có thể không trực tiếp gây áp lực lên New Zealand thông qua các biện pháp trừng phạt thương mại, mà thay vào đó mang lại cho New Zealand nhiều triển vọng lợi ích hơn thông qua tăng cường hợp tác, khiến lãnh đạo nước này phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động.
Còn với Australia, sau khi chính phủ trung tả nước này lên nắm quyền vào tháng 5/2022, quan hệ Trung Quốc – Australia dần nồng ấm trở lại. Bắc Kinh đã dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với các sản phẩm của Australia như than đá, gỗ, lúa mạch và rượu vang. Tuy nhiên, hai nước vẫn có xích mích trong các lĩnh vực như an ninh. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Cường đánh dấu một bước tiến lớn mới theo hướng cải thiện quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Australia.
Có thể nói, cả 2 chuyến thăm tới Australia và New Zealand sau 7 năm của Thủ tướng Trung Quốc đều nhằm mục đích gạt bỏ những khác biệt song phương và cho thấy Trung Quốc có thể duy trì quan hệ hữu hảo với các nước phương Tây.
Với Malaysia, đây là một trong những đối tác trong xây dựng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và có thái độ hòa hảo với Bắc Kinh. Trong một phát biểu hồi tháng 3/2024, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim từng tuyên bố, những nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ làm gieo rắc sự bất hòa trong khu vực. Trước đó, ông từng khẳng định mối quan hệ Malaysia-Trung Quốc chưa bao giờ tốt như hiện nay và tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược vững mạnh với Trung Quốc là một trong những chương trình nghị sự quan trọng của Malaysia.
Do vậy, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh kỳ vọng thông qua chuyến thăm này thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên, đồng thời thúc đẩy Cộng động chia sẻ tương lai giữa Trung Quốc và Malaysia đi vào chiều sâu, thực chất, cùng nhau mở ra 50 năm tiếp theo huy hoàng hơn cho quan hệ song phương.
Cách tiếp cận mới của New Zealand
Kể từ khi New Zealand có chính quyền mới vào tháng 11/2023, cách tiếp cận của nước này với Trung Quốc đã có những thay đổi nhất định, theo hướng, không né tránh những khác biệt trong lúc tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh quan hệ thương mại. Nếu như trước kia vì không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này thì nay New Zealand đã đặt các vấn đề khác biệt lên ngang hàng với tầm quan trọng của quan hệ thương mại, và điều này được thể hiện rõ qua 3 vấn đề sau.
Thứ nhất là New Zealand công khai bày tỏ mong muốn và bắt đầu tìm hiểu về trụ cột 2 của AUKUS là hợp tác về chia sẻ công nghệ cao ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến thăm Australia của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
New Zealand đã quyết định làm vậy cho dù biết rằng Trung Quốc phản đối mạnh mẽ AUKUS vì cho rằng cơ chế này gây đối đầu và tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân đồng thời đại sứ Trung Quốc tại New Zealand cũng cảnh báo trụ cột 2 của AUKUS không chỉ đơn thuần là chia sẻ công nghệ mà là để phục vụ trụ cột 1 vì vậy việc tham gia trụ cột 2 của AUKUS được Trung Quốc coi là chọn bên.
Điều này cho thấy, New Zealand kiên định thực hiện quyền tự chủ trong chính sách ngoại giao, quốc phòng bất chấp việc làm này Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này lo ngại và điều này cũng cho thấy thương mại không còn là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với Trung Quốc.
Thứ hai là việc nước này bắt đầu công khai công nhận những khác biệt trong quan hệ với Trung Quốc và không ngại đề cập các vấn đề này. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters cho biết, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 3/2024 vừa qua và tại cuộc họp báo sau đó, ông không ngần ngại khẳng định sự khác biệt trong quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền hay lo ngại của New Zealand về căng thẳng ở Biển Đông hay Eo biển Đài Loan song cho biết New Zealand sẽ đối thoại với Trung Quốc về những khác biệt này.
Thứ ba là chính sách đối ngoại của New Zealand bắt đầu tiến gần hơn với chích sách của Australia và Mỹ. Nếu như trước kia New Zealand thường tránh không đề cập những vấn đề không liên quan trực tiếp đến lợi ích của nước này thì nay Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon công khai bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông trong lúc Trung Quốc và Philippines đang gia tăng căng thẳng trong khu vực này.
Những động thái này thể hiện sự thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ với Trung Quốc của chính quyền New Zealand do Thủ tướng Christopher Luxon đứng đầu.
Quan hệ Trung Quốc với Australia và New Zealand trong thời gian tới
Ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới và trong khu vực Nam Thái Bình Dương đang gia tăng. Australia và New Zealand cũng không phủ nhận điều này. Tuy vậy, điều mà hai nước này muốn đó là sự can dự không mang lại chia rẽ, bất ổn và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực.
Điều này đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters khẳng định vào tháng trước khi cho biết “Trung Quốc đã hiện diện ở Thái Bình Dương trong một thời gian dài nhưng chúng tôi lo ngại sâu sắc trước việc gia tăng can dự vào vấn đề an ninh ở Thái Bình Dương”. Ông Peters khẳng định New Zealand “không muốn chứng kiến những diễn biến gây bất ổn cho các cơ chế và thỏa thuận đã tồn tại từ lâu và góp phần vào việc củng cố an ninh khu vực” và rằng, mọi sự can dự vào khu vực cần phải đặt ưu tiên của khu vực lên trên, nhất quán với những thông lệ đã được thiết lập và ủng hộ các cơ chế khu vực, trong đó có Diễn dàn các quần đảo Thái Bình Dương.
Tuyên bố của New Zealand cho thấy có sự lo ngại trong khu vực trước sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy vậy, New Zealand cũng như Australia sẽ vẫn duy trì cách tiếp cận cởi mở, không né tránh và chọn cách đối thoại về những khác biệt đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích chung. Điều này được Australia tóm tắt trong nguyên tắc: hợp tác trong những vấn đề có thể, không đồng ý ở những vấn đề buộc phải làm vậy và kết nối vì lợi ích quốc gia.
Trên tinh thần này, cả Australia và New Zealand đều nỗ lực thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại với Trung Quốc trong lúc tìm cách đa dạng hóa thị trường để ngày càng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong quan hệ với Trung Quốc, hai nước này cũng sẽ duy trì đối thoại trong các khác biệt, né tránh những đối đầu không cần thiết, không để quan hệ thương mại làm lu mờ các vấn đề khác và sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Tinh thần này không phải là mới và nhưng sẽ được cả Australia và New Zealand tiếp tục thể hiện trong chuyến thăm hai nước này của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Nguồn: vov.vn