Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh: Cần cú hích từ thể chế, chính sách

Mô hình sản xuất lúa gạo bền vững đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (SRP) của Tập đoàn Lộc Trời.

Chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển, ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất-kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Khó tiến xa

Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn, phát triển chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo bền vững. Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời đã chỉ ra những con số “biết nói” khi chi phí thuốc trừ sâu giảm 23%, nước giảm 7%, phân bón giảm 5%, đồng thời góp phần tăng 1% năng suất ở quy mô nhỏ. Dư địa để tiếp tục giảm những chi phí trên còn rất lớn nếu công nghệ được đồng bộ và tích hợp trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp khó có thể tiến xa được do chính sách còn thiếu và chưa theo kịp. Cụ thể, hiện chưa có chính sách vay vốn ưu đãi trong khi doanh nghiệp chuyển đổi xanh; các kênh dẫn vốn xanh chưa khơi thông, thị trường tín chỉ carbon chưa có…

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh cũng là một trong hai vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất tại Bắc Ninh – địa phương đang có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo ông Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh, thể chế và chính sách cho chuyển đổi xanh chưa đồng bộ, chưa sử dụng hết công cụ từ thị trường đang là khó khăn chính. Chuyển đổi xanh liên quan đến các nguồn vốn xanh nhưng hiện chưa có quy định trái phiếu xanh khiến các dự án xanh gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính… Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Tạo động lực và nguồn lực cho doanh nghiệp

Đầu tư cho chuyển đổi xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn là dài hạn nhưng do gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, các doanh nghiệp trong nước thích ứng với chuyển đổi xanh chậm hơn so với doanh nghiệp FDI. Trong đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp làng nghề, theo ông Nguyễn Phương Bắc, chủ yếu quản trị theo mô hình gia đình nên chậm chuyển đổi, chậm thích ứng với những thay đổi nhu cầu của thị trường.

Bà Bùi Thu Thuỷ – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Cục Phát triển doanh nghiệp đang phối hợp với các tổ chức quốc tế tập trung hỗ trợ nguồn đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chủ yếu tập trung nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh: Cần cú hích từ thể chế, chính sách
Để tạo bứt phá cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, những hoạt động hỗ trợ đơn lẻ này là chưa đủ. Bà Thuỷ cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ phân ngành kinh tế xanh để trên cơ sở đó xác định những cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Có nhiều chính sách liên quan đến nhau, ở cấp vĩ mô, Chính phủ không thực hiện thì doanh nghiệp dù có quyết tâm đầu tư cũng rất khó khăn mới đi đến mục tiêu tăng trưởng xanh.