Wednesday, June 26, 2024

Nga và Ukraine từ bàn đàm phán đến triển vọng hòa bình ngày càng xa vời

Đàm phán giữa Nga và Ukraine đã đi từ những cuộc trao đổi trực tiếp duy nhất năm 2022 đến triển vọng hòa bình ngày càng xa vời khi hai bên đối mặt với nhiều điểm nghẽn khó có thể vượt qua và những diễn biến mới trên chiến trường.

Đại diện của các bên xung đột đã tổ chức những cuộc đàm phán hòa bình trong những tuần đầu Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng chúng đã thất bại. Tài liệu từ những cuộc đàm phán này cho thấy tại sao bất kỳ cuộc đàm phán mới nào đều sẽ đối mặt với những trở ngại lớn.

Với việc Nga và Ukraine đang bước vào năm thứ ba của cuộc xung đột, không có con đường rõ ràng nào dẫn đến chiến thắng quân sự cho cả hai bên. Cũng không có triển vọng ngay lập tức về một lệnh ngừng bắn và một kế hoạch hòa bình cuối cùng khi cả hai bên vẫn giữ quan điểm không thể hòa giải.

Tuy nhiên, những vấn đề cần phải giải quyết trong bất kỳ giải pháp hòa bình nào trong tương lai đều rất rõ ràng và trên thực tế, chúng là trọng tâm của những cuộc đàm phán cách đây 2 năm nhằm tìm hiểu các điều khoản hòa bình một cách chi tiết.

New York Times đã xem xét những tài liệu này và làm sáng tỏ những điểm bất đồng cần khắc phục. Các tài liệu này xuất hiện từ các phiên đàm phán diễn ra trong vài tuần sau khi xung đột nổ ra, từ tháng 2 – 4/2022. Đây là lần duy nhất các quan chức Nga và Ukraine được cho là đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp.

Nga ban đầu muốn Ukraine công nhận Crimea là một phần của nước này. Đến ngày 15/4/2022, hai bên đã đồng ý loại Crimea khỏi hiệp ước của họ – khiến cho bán đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Nga nhưng Ukraine không công nhận.

“Khoản 1 Điều 2 và Điều 4, 5, 11 của Hiệp ước này sẽ không áp dụng với Crimea và Sevastopol”.

Các tài liệu đàm phán cho thấy hai bên đã xung đột về các vấn đề bao gồm cấp độ vũ khí, các điều khoản về tư cách thành viên tiềm năng của Ukraine trong Liên minh châu Âu và các luật cụ thể của Ukraine về ngôn ngữ và văn hóa mà Nga muốn bãi bỏ. Các nhà đàm phán Ukraine đề nghị từ bỏ tư cách thành viên NATO và chấp nhận sự kiểm soát của Nga đối với các phần lãnh thổ nhưng từ chối công nhận chủ quyền của Moscow đối với chúng. Ukraine đã đề xuất không bao giờ gia nhập NATO và các liên minh khác.

“Ukraine sẽ không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không triển khai các căn cứ quân sự và lực lượng ở nước ngoài”.

Trong khi đó, Nga yêu cầu Ukraine đưa tiếng Nga thành ngôn ngữ chính thức.

“Ukraine, trong vòng 30 ngày sau khi ký Hiệp ước này, sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng tiếng Nga ở bất kỳ khu vực nào theo Phụ lục 2”.

Theo New York Times, Nga có vẻ cởi mở với một thỏa thuận như vậy nhưng cuối cùng lại chùn bước trước một nội dung quan trọng của nó: Đó là một thỏa thuận ràng buộc các nước khác đến bảo vệ Ukraine nếu nước này bị tấn công một lần nữa.

Quá trình đàm phán và những điểm nghẽn khó vượt qua

New York Times đã công bố đầy đủ tài liệu mà họ thu thập được. Đó là các bản dự thảo hiệp ước ngày 17/3 và 15/4/2022 thể hiện những đề xuất và những điểm trong thỏa thuận đang gây tranh cãi của hai bên cũng như một thông cáo riêng tại cuộc đàm phán trực tiếp ở Istanbul ngày 29/3 tóm tắt thỏa thuận được đề xuất.

Các tài liệu này được các nguồn Ukraine, Nga, châu Âu cung cấp và được những người tham gia đàm phán xác thực.

Ngoài việc xem xét các tài liệu, New York Times đã dành nhiều tháng để phỏng vấn các quan chức hiện tại và các cựu quan chức Ukraine, Nga và phương Tây cũng như những người thân cận với các cuộc đàm phán; trong đó bao gồm 3 thành viên của nhóm đàm phán Ukraine.

Oleksandr Chalyi, một thành viên của nhóm đàm phán Ukraine cho biết tại một cuộc thảo luận ở Geneva vào tháng 12 năm ngoái rằng: “Chúng tôi đã tìm thấy sự thỏa hiệp thực sự. Chúng tôi đã ở rất gần vào giữa và cuối tháng 4 để kết thúc xung đột bằng một giải pháp hòa bình nào đó”.

Vào 28/2/2022, các trợ lý của Tổng thống Ba Lan đã gặp một nhóm quan chức cấp cao Ukraine ở biên giới và chở họ bằng trực thăng đến một căn cứ quân sự gần Belarus. Sau đó, phía Ukraine tự mình tiến vào Belarus và gặp phái đoàn Nga do cố vấn của Tổng thống Putin – ông Vladimir Medinsky dẫn đầu.

Đó là một thời điểm bất thường trong lịch sử xung đột khi hai bên bắt đầu đàm phán trực tiếp chỉ vài ngày sau khi giao tranh nổ ra.

Ukraine đã có một nhượng bộ đáng kể: Đó là sẵn sàng trở thành một “quốc gia trung lập vĩnh viễn” và không bao giờ gia nhập NATO hoặc cho phép các lực lượng nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ của mình. Lời đề nghị dường như giải quyết được mối quan tâm cốt lõi của Tổng thống Putin rằng, phương Tây, theo cách nói của Điện Kremlin là đang cố gắng sử dụng Ukraine để tiêu diệt Nga.

Mặc dù hai bên đã tham gia vào các cuộc họp video thường xuyên sau cuộc gặp ở Belarus nhưng dự thảo hiệp ước ngày 17/3 cho thấy họ vẫn còn cách xa nhau như thế nào.

Ukraine đã tìm kiếm sự đồng ý của Nga đối với “các đảm bảo an ninh” quốc tế, theo đó các quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh của Ukraine cũng ký thỏa thuận – sẽ đứng ra bảo vệ Ukraine nếu nước này bị tấn công lần nữa. Họ muốn hiệp ước này áp dụng cho “các biên giới được quốc tế công nhận” của Ukraine.

Các đề xuất hiệp ước của Nga bao gồm một danh sách các yêu cầu của Điện Kremlin, trong đó bao gồm việc các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát ở phía Đông sẽ được nhượng lại cho Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk.

Dự thảo bao gồm các giới hạn về quy mô của lực lượng vũ trang Ukraine cũng như số lượng xe tăng, pháo, tàu chiến và máy bay chiến đấu mà nước này có thể có trong kho vũ khí của mình.

Theo một nhà ngoại giao châu Âu, các nhà lãnh đạo Ba Lan – những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ, lo ngại rằng Đức hoặc Pháp có thể cố gắng thuyết phục Ukraine chấp nhận các điều khoản của Nga và họ muốn ngăn điều đó lại.

Một vài ngày sau, vào 29/3, các đại diện của Nga và Ukraine đã gặp nhau tại cung điện Istanbul trên eo biển Bosphorus. Đối với một số người, các cuộc đàm phán này giống như một bước đột phá được thúc đẩy bởi những diễn biến trên chiến trường.

Ukraine đã tóm tắt thỏa thuận được đề xuất trong một tài liệu dài 2 trang mà nước này gọi là Thông cáo Istanbul nhưng chưa bao giờ được công bố. Tình trạng của Crimea sẽ được quyết định trong khoảng 10 – 15 năm với việc Ukraine cam kết sẽ không chiếm lại bán đảo này bằng vũ lực. Ông Zelensky và Tổng thống Putin sẽ gặp trực tiếp để hoàn tất hiệp ước hòa bình và đạt được thỏa thuận về việc Nga sẽ tiếp tục kiểm soát bao nhiêu lãnh thổ Ukraine. Theo các cuộc thảo luận ở Istanbul, cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Putin sẽ giải quyết những khác biệt cuối cùng.

Thông cáo do một nhà đàm phán Ukraine cung cấp cho New York Times mô tả một cơ chế trong đó các quốc gia khác sẽ can thiệp quân sự nếu Ukraine bị tấn công lần nữa. Đối với Ukraine, những đảm bảo an ninh mang tính ràng buộc là cốt lõi của một thỏa thuận hòa bình tiềm năng mà nhiều quốc gia sẽ ký kết.

Các nhà đàm phán đều đồng ý rằng Ukraine sẽ tuyên bố trung lập vĩnh viễn, mặc dù nước này được phép gia nhập Liên minh châu Âu. Nga đã từ bỏ sự phản đối trước đó đối với việc Ukraine trở thành thành viên chính thức của EU.

Phần lớn hiệp ước sẽ “không áp dụng” đối với Crimea và một vùng lãnh thổ khác sẽ được xác định của Ukraine – có nghĩa là Kiev sẽ chấp nhận việc Nga chiếm đóng một phần lãnh thổ của mình mà không công nhận chủ quyền của Nga đối với vùng đó.

Nhưng vẫn còn những điểm vướng mắc quan trọng. Nga muốn tầm bắn của tên lửa Ukraine được giới hạn ở 40km, trong khi Ukraine muốn khoảng cách đó là 280km – đủ để tấn công các mục tiêu trên khắp Crimea.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất lại nằm ở Điều 5. Nó tuyên bố rằng, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang khác vào Ukraine, “các quốc gia bảo lãnh” ký hiệp ước sẽ đến bảo vệ nước này.

Theo New York Times, Nga đã cố gắng đảm bảo quyền phủ quyết đối với các đảm bảo an ninh của Ukraine bằng cách đưa vào một điều khoản yêu cầu phải có sự đồng ý của tất cả các bên. Vì thế, Kiev coi đây là điều kiện vô lý và là một yếu tố phá vỡ thỏa thuận.

Với sự thay đổi đó, một thành viên trong nhóm đàm phán Ukraine cho biết, “chúng tôi không quan tâm đến việc tiếp tục đàm phán”.

Triển vọng đàm phán ngày càng xa vời

Hai năm sau, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga và Ukraine sẽ quay lại bàn đàm phán. Tại một khu nghỉ dưỡng ở Thụy Sĩ vào cuối tuần trước, ông Zelensky tìm cách thuyết phục các quan chức của khoảng 100 quốc gia và tổ chức, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris, rằng chiến thắng vẫn là điều thực tế. Nga không được mời và Trung Quốc chọn không tham dự.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết ông Zelensky đã trao đổi với một người đồng cấp châu Âu rằng: “Nếu chúng tôi không đạt được tiến bộ trong năm nay thì chúng tôi sẽ thử lại vào năm sau và năm sau nữa”.

Tổng thống Putin hôm 14/6 đã chuyển sang lập trường cứng rắn hơn, nhấn mạnh rằng ông sẽ ra lệnh ngừng bắn và chỉ đàm phán nếu Ukraine rút khỏi 4 khu vực mà Moscow tuyên bố sáp nhập cũng như từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.

Ngay cả trước yêu cầu mới nhất của Tổng thống Putin, các chuyên gia cho rằng thật khó để tưởng tượng việc quay lại thỏa thuận được thảo luận vào năm 2022. Ukraine quyết tâm gia nhập NATO hơn bao giờ hết, một thông điệp mà nước này sẽ nhấn mạnh khi các nhà lãnh đạo của liên minh gặp nhau vào tháng tới ở Washington.

Yêu cầu hiện tại của Ukraine đó là Nga phải rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ nước này, bao gồm cả Crimea, cũng có vẻ phi thực tế do quyết tâm rõ ràng và những lợi thế hiện tại của quân đội Nga.

Hiện nay, giữa bối cảnh cả hai bên đang đối mặt với nhiều thương vong và tổn thất, Moscow và Kiev dường như cách xa hòa bình hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi xung đột nổ ra.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img