Chúng ta cùng nhìn lại một số cuộc khủng hoảng truyền thông mà đối với doanh nghiệp, giống như “từ trên trời rơi xuống”, một số trường hợp lại còn “ngồi không cũng dính đạn”.

Taylor Swift và Ticketmaster

Những khủng hoảng truyền thông “vô tình” (Phần 1)

Năm 2022, nữ ca sĩ Taylor Swift ủy quyền cho Ticketmaster là bên bán vé cho chuỗi lưu diễn “Era’s Tour” của cô. Bởi vì số lượng vé có hạn mà số người muốn mua vé lại quá đông nên Ticketmaster thông báo họ sẽ không bán vé tự do. Thay vào đó, khách hàng phải lấy mã đặt mua trước. Điều này khiến hàng triệu người hâm mộ không thể mua vé. Còn với những người mua được, thì hành trình mua vé cũng cực kỳ khó khăn. Họ phải chờ trong hàng tiếng đồng hồ, chi hàng trăm đô mới mua được vé.

Taylor đăng lên mạng xã hội, cho biết cô và đội nhóm đã nhiều lần yêu cầu Ticketmaster phải có phương án giải quyết khi lượng người muốn mua vé quá lớn.

Đáp lại, Ticketmaster đã xin lỗi Taylor và người hâm mộ trên Twitter. Tuy nhiên, họ phủ nhận cáo buộc về cách thức mua vé bị cáo buộc là không công bằng này. Nhưng tình hình càng tệ hơn khi có những kẻ đầu cơ ôm vé số lượng lớn để bán lại giá cao.

Người hâm mộ tức giận, cáo buộc Ticketmaster lừa dối, yêu cầu Quốc Hội xem xét lại vụ sáp nhập Ticketmaster – Live Nation năm 2010. Danh tiếng của Ticketmaster không thể phục hồi như trước, vì dường như họ hoàn toàn không chuẩn bị gì cho tình huống này.

Nestle và Greenpeace

Những khủng hoảng truyền thông “vô tình” (Phần 1)

Greenpeace từng tạo ra một chiến dịch quảng cáo châm biếm, trong đó có hình ảnh một nhân viên văn phòng đang thưởng thức Kit Kat. Tuy nhiên thay vì những miếng bánh xốp phủ socola thông thường, món “Kit Kat” trong quảng cáo ấy lại giống ngón tay linh trưởng. Khi nhân vật nam cắn một miếng, máu giả tràn bàn phím và màn hình xuất diện dòng chữ: “Cần nghỉ ngơi ư? Hãy cho những con đười ươi nghỉ ngơi”.

Với quảng cáo này, Greenpeace đang muốn lên án Nestle thiếu trách nhiệm xã hội. Trước đó, Nestle bị cáo buộc dùng dầu cọ từ một công ty ở Indonesia chuyên phá rừng nơi đười ươi sinh sống và vi phạm pháp luật để sản xuất dầu cọ.

Quảng cáo của Greenpeace được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, dẫn đến những cuộc biểu tình với trang phục đười ươi bên ngoài văn phòng Nestle ở Anh. Nestle cố gắng xóa video này khỏi YouTube, nhưng Greenpeace đăng lại trên Vimeo và lan truyền tin tức này lên mạng xã hội.

Nestle phủ nhận cáo buộc, trả lời rằng họ đã đổi nhà cung cấp dầu cọ. Thế nhưng họ không chắc liệu dầu cọ đến từ nhà cung cấp Indonesia có trong lô hàng của những nhà cung cấp khác hay không. Câu trả lời khá lấp lửng này khiến Nestle phải chịu một quãng thời gian không mấy tươi sáng lúc đó.

Ronaldo và Coca Cola

Những khủng hoảng truyền thông “vô tình” (Phần 1)

Một hành động vô tình và vô hại trong mắt công chúng đôi khi có thể gây nên sóng gió cho thương hiệu. Có lẽ người hâm mộ làng túc cầu lẫn dân truyền thông sẽ không thể quên được câu chuyện một hành động của siêu sao Cristiano Ronaldo trong cuộc họp báo trước trận đấu đã khiến Coca-Cola bị ảnh hưởng hình ảnh.

Câu chuyện bắt đầu khi trên bàn họp báo của anh chàng Ronaldo có hai chai Coca-Cola và nước lọc. Ronaldo đã bỏ hai chai Coca-Cola xuống và giơ chai nước lọc lên, bóng gió rằng mọi người nên uống nước chứ đừng uống Coca-Cola. Sự việc đã qua lâu, nhiệt cũng hạ nhiều, nhưng các meme vẫn còn đầy rẫy trên mạng xã hội.

Khoảnh khắc này cho thấy đôi khi khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra cả khi thương hiệu không trực tiếp liên quan. Tuy nhiên ở trong tình huống như vậy, ngó lơ không phản ứng không phải giải pháp tốt. Sau khi bị lùm xùm, Coca-Cola đã đưa ra một tuyên bố đơn giản và thẳng thắn: “Mọi người đều có quyền dùng những món đồ uống mình yêu thích”.

#DeleteUber

Những khủng hoảng truyền thông “vô tình” (Phần 1)

Năm 2017, Liên minh nhân viên taxi New York quyết định không cung cấp dịch vụ đưa đón quanh sân bay trong 1 tiếng đồng hồ để phản đối Lệnh Nhập cư của cựu tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên Uber vẫn tiếp tục cung cấp các cuốc xe xung quanh sân bay nhưng với mức giá cao hơn. Điều này có thể không là vấn đề gì nguy hiểm. Thế nhưng nó đi kèm với hai sự việc khác. Một là trước đó Uber từng tuyên bố sẽ ngừng việc phụ thu các cuốc xe quanh sân bay. Thứ hai Uber cho rằng việc cung cấp xe trong thời gian biểu tình là cách để ủng hộ biểu tình.

Chính sự kết hợp của những sự kiện này đã tạo nên phản ứng tiêu cực của khách hàng. Họ nhanh chóng tạo nên một chiến dịch tẩy chay với hashtag #deleteUber (xóa Uber).

Harry – Meghan và Hoàng gia Anh

Những khủng hoảng truyền thông “vô tình” (Phần 1)

Meghan Markle và Hoàng tử Harry đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên khi năm 2020, họ tuyên bố từ bỏ các vị trí cấp cao trong Hoàng gia Anh. Lý do được họ đưa ra là vì sự giám sát truyền thông, phân biệt chủng tộc và thiếu hỗ trợ.

Khi những tuyên bố về phân biệt chủng tộc ngày càng nhiều, Hoàng gia Anh đưa ra một tuyên bố với chủ đề “hồi ức khác nhau về các sự kiện”.

Chưa biết sự việc trái phải ra sao, nhưng câu chuyện Megxit này đã tạo nên nhiều chỉ trích tiêu cực hướng tới Hoàng gia Anh, dù trước đó họ có danh tiếng khá tốt trước truyền thông. Đến tận bây giờ dường như những hậu quả vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.