Vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát được cho là vụ án có số tiền chiếm đoạt và tiền đưa hối lộ lớn nhất lịch sử từ trước đến nay, là điển hình cho sai phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, dùng ngân hàng làm ‘sân sau’ cho doanh nghiệp.
Nói về thủ đoạn, phương thức phạm tội để chiếm đoạt tiền của người dân gửi vào ngân hàng, thì nhóm tội phạm này không có một kịch bản cố định nào. Tất cả phương thức đều nhằm mục đích là chiếm đoạt tiền.
Bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chiếm đoạt chưa từng có trong lịch sử về tội phạm tài chính – ngân hàng, với hơn 677.000 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Tháng 10.2022, cả nước chấn động với thông tin bà Trương Mỹ Lan bị Bộ Công an bắt tạm giam. Sau hơn một năm điều tra, các sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dần dần được làm sáng tỏ, gây ngỡ ngàng cho nhiều người, giới tài chính.
Đầu tiên, phải nói rằng trước khi bị bắt, những thông tin về bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là khá bí ẩn. Song, ai cũng ngầm hiểu, bà Lan là nữ đại gia, trực tiếp hoặc đứng sau sở hữu nhiều tòa nhà trị giá hàng trăm triệu, hàng tỉ USD, điển hình như Sherwood Residence (Q.3); An Đông Plaza (Q.5); Times Square (Q.1); Nexxus; dự án khu công viên, nhà ở Mũi Đèn Đỏ (Q.7, cùng TP.HCM) trị giá 6 tỉ USD…
Dùng ngân hàng làm “sân sau” cho doanh nghiệp
Từ năm 2011 – 2012, theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, bà Trương Mỹ Lan tham gia tái cơ cấu, hợp nhất 3 ngân hàng: SCB, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa, thành SCB. Cũng từ đây, bà Trương Mỹ Lan bắt đầu chi phối, lũng đoạn SCB như công cụ tài chính để phục vụ mục đích của cá nhân cũng như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đầu tiên, trong 10 năm, từ năm 2012 đến tháng 10.2022, bà Trương Mỹ Lan đã xây dựng một đế chế hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với 1.000 doanh nghiệp “con” trong và ngoài nước, chia thành nhiều tầng lớp. Trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là trung tâm, có mối quan hệ chặt chẽ với 4 nhóm còn lại: nhóm công ty “ma” tại Việt Nam; nhóm mạng lưới các công ty ở nước ngoài; nhóm nhà hàng, khách sạn có hoạt động thực sự; và nhóm các công ty tài chính.
Bước tiếp theo, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm cổ phần SCB bằng cách nhờ người khác đứng tên hơn 75% cổ phần tại SCB, còn bà và 2 con gái đứng tên cổ phần theo đúng tỷ lệ quy định là gần 15%. Từ việc nắm gần như tuyệt đối cổ phần tại SCB, bà Trương Mỹ Lan đứng sau điều hành toàn bộ khi: chỉ đạo đồng phạm sử dụng các công ty “ma” lập hồ sơ vay khống; nâng khống giá trị đảm bảo tài sản để rút tiền của SCB; tài sản đảm bảo cho các khoản vay rút ra đưa vào như “đi chợ”.
Theo hồ sơ, trong 1.169 tài sản liên quan bà Trương Mỹ Lan bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an kê biên, thì chỉ có khoảng 60 tài sản mua trước năm 2012. Còn lại khoảng 1.109/1169 tài sản (chiếm 94,8%) đều được bà Lan mua sau năm 2012.
Có thể nói, bà Lan đã chiếm đoạt tiền của SCB, dùng tiền này mua bất động sản, rồi nâng khống giá trị chính bất động sản ấy, tiếp tục thế chấp vay tiền tại SCB. Với vòng tròn luân chuyển như vậy, dần dần số tiền bà Lan chiếm đoạt của ngân hàng lên đến hơn 677.000 tỉ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan dùng SCB như một công cụ tài chính của mình, việc này thể hiện rõ nhất khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn đang xác minh làm rõ dòng tiền mặt 108.878 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD mà bị cáo Lan nhận từ SCB, sau đó giao cho ai, làm việc gì để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả; hay trong 147 triệu USD mà bà Lan chi thông qua Công ty Vivaland để mua cổ phần tại Công ty Amaland PTE.LTD, thì có dùng tiền của SCB hay không…
Liên minh và tham nhũng
Sau khi nắm quyền lực thực tế chi phối tại SCB, trong thời gian lũng đoạn SCB, có thể nói bà Trương Mỹ Lan đã tính luôn kế lâu dài khi liên minh, thông đồng với một số công ty thẩm định giá để thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư, tài sản thẩm định giá theo ý của bà Trương Mỹ Lan.
Có những tài sản giá thẩm định là trên 100.000 tỉ đồng nhưng giá trị thực sau khi vụ án được phát hiện, thẩm định lại chỉ có khoảng 15.000 – 20.000 tỉ đồng. Cứ như thế, hơn 1.000 mã tài sản đảm bảo tại SCB đều bị nâng khống lên để gia tăng số tiền rút khỏi SCB, đưa cho Trương Mỹ Lan sử dụng vào mục đích cá nhân.
Chưa dừng lại, để che giấu hành vi lũng đoạn, chiếm đoạt tiền của SCB, Trương Mỹ Lan còn tìm cách bưng bít sai phạm đối với toàn bộ lãnh đạo, cán bộ đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước khi tiến hành thanh tra SCB ở 2 giai đoạn. Số tiền bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp của mình tại SCB đưa tiền cho 17 thành viên đoàn thanh tra giám sát được cho là “bao trọn nguyên đoàn”, trong đó, số tiền thấp nhất là 20 triệu, cao nhất là 5,2 triệu USD.
Phi vụ nhận hối lộ 5,2 triệu USD cũng được lãnh đạo Ban Nội chính T.Ư khẳng định là số tiền nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay.
Vụ Vạn Thịnh Phát là điển hình cho sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng làm “sân sau” cho doanh nghiệp. (Còn tiếp)
Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục bị điều tra
Ngày 11.4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình vì gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng, và buộc bị cáo này bồi thường toàn bộ cho SCB.
Ngoài vụ án gây thiệt hại cho SCB số tiền trên, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó tập trung điều tra 2 tội danh chính là lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến phát hành trái phiếu và hành vi rửa tiền của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi phát hành trái phiếu, Bộ Công an xác định các bị can đã thông qua 40 doanh nghiệp được thành lập rồi phát hành 25 gói trái phiếu, lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Bộ Công an tiếp tục đề nghị những nhà đầu tư mua trái phiếu của Trương Mỹ Lan và đồng phạm cần đến công an địa phương nơi bị hại đăng ký địa chỉ trên các trái phiếu để trình báo.
Nguồn: thanhnien.vn