Thursday, June 27, 2024

TP.HCM phát triển thành phố vệ tinh: Đừng lặp lại quy hoạch treo

Một bản quy hoạch mới bài bản không chỉ mở ra những không gian phát triển mới mà còn tránh lặp lại cảnh quy hoạch treo, kìm hãm cuộc sống người dân.

QUY HOẠCH TREO “PHỦ SÓNG” TIẾP XÚC CỬ TRI

Trong buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM về tình hình KT-XH giữa tháng 5.2024, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, vấn đề dự án treo, quy hoạch treo thường xuyên được người dân nêu ra trong các buổi tiếp xúc cử tri. Ở nơi đại biểu ứng cử, dự án khu đô thị Sing – Việt và nông trường An Hạ (H.Bình Chánh) hay kênh Hàng Bàng (Q.6) luôn được nhắc tới.

TP.HCM phát triển thành phố vệ tinh: Đừng lặp lại quy hoạch treo

UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) kêu gọi đầu tư trường học nhưng gặp vướng mắc về quy hoạch

SỸ ĐÔNG

Quy hoạch treo, dự án treo không phải là vấn đề mới ở TP.HCM và thường xuyên “phủ sóng” trong các buổi tiếp xúc cử tri. Thậm chí có buổi tiếp xúc cử tri, người dân dành 4/5 thời gian nói về chuyện này. “Tình trạng dự án treo và quy hoạch treo gây ra sự bất an, người dân không thể an cư lạc nghiệp. TP.HCM cần dành nguồn lực để tháo gỡ những vấn đề kéo dài 20 – 30 năm”, ông Nghĩa đề nghị.

Về tổng thể, TP.HCM đã phê duyệt cơ bản quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với khoảng 600 đồ án, còn quy hoạch nông thôn phần lớn được phê duyệt trước luật Quy hoạch, trải qua nhiều giai đoạn pháp lý khác nhau. Theo đánh giá của UBND TP.HCM, thực tế, việc quản lý tại một số khu vực còn chồng chéo do vừa có quy hoạch nông thôn mới, vừa có quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu.

Đặc biệt, chức năng sử dụng đất (SDĐ) trong các đồ án quy hoạch nông thôn mới không đồng nhất với đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch SDĐ. Chính điều này khiến quyền lợi về tách thửa, chuyển mục đích SDĐ hoặc xây dựng nhà cửa của người dân bị hạn chế. Đã thế, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch không phải lúc nào cũng kịp thời.

NGUỒN LỰC CHÔN THEO QUY HOẠCH

Không chỉ tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, quy hoạch chồng chéo còn khiến nguồn lực đất đai bị kìm hãm. Ở những huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, đất đai được coi là động lực để các địa phương bứt phá nhưng đến nay phần lớn vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Các huyện cũng chủ động tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Sau khi chọn được khu đất ưng ý, doanh nghiệp hỏi về pháp lý và thời gian điều chỉnh quy hoạch, mục đích SDĐ thì địa phương không trả lời được.

TP.HCM phát triển thành phố vệ tinh: Đừng lặp lại quy hoạch treo

Dự án Khu đô thị Tây Bắc (H.Củ Chi, TP.HCM) bị treo hàng chục năm qua

NGUYÊN VŨ

Đơn cử như H.Bình Chánh rộng hơn 25.000 ha, dân số gần 900.000 người, có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học hơn 32.000 người/năm tạo áp lực lớn lên nhu cầu trường lớp. Hồi giữa năm 2023, UBND H.Bình Chánh tổ chức hội nghị xúc tiến về lĩnh vực giáo dục, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng trường học tại 84 khu đất với tổng diện tích 100 ha. Cùng dự hội nghị, lãnh đạo TP.HCM đề nghị các sở, ngành phối hợp địa phương tháo gỡ vướng mắc, tập trung nguồn lực để sớm đưa dự án vào hoạt động.

Sau 1 năm, số lượng dự án được tháo gỡ pháp lý, thủ tục đất đai, xây dựng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lãnh đạo UBND H.Bình Chánh dẫn chứng đơn giản như khu đất được quy hoạch là giáo dục 1 cấp học, nhưng nhà đầu tư muốn xây dựng nhiều cấp học thì bị vướng, buộc phải điều chỉnh. Chưa kể, phần lớn nhà đầu tư, nhất là trường song ngữ, ngoại ngữ, doanh nghiệp có vốn nước ngoài luôn đặt vấn đề có đất sạch thì họ mới đầu tư. Trong khi đó, việc thu hồi đất của người dân phải tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng… và thường tốn nhiều thời gian.

Trong kết luận thanh tra về công tác quản lý quy hoạch đô thị, đầu tư, xây dựng tại Khu đô thị Tây Bắc (H.Củ Chi) hồi tháng 2.2024, Thanh tra TP.HCM xác định hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch các phân khu của khu đô thị quá chậm, làm ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư, triển khai các dự án. Một số khu đất dự kiến kêu gọi nhà đầu tư nhưng phải dừng lại để chờ hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch 1/5.000. Vì điều chỉnh quy hoạch chậm nên sau 26 năm kể từ khi được Thủ tướng phê duyệt, dự án Khu đô thị Tây Bắc vẫn chưa thành hình, còn người dân thì bức xúc, khiếu kiện.

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA NGƯỜI DÂN

Nhiều chuyên gia và lãnh đạo địa phương đều hy vọng đợt điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM lần này sẽ giải quyết được câu chuyện quy hoạch treo, dự án treo dai dẳng hàng chục năm qua. TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết rất ủng hộ định hướng phát triển 5 vùng đô thị là 5 thành phố trực thuộc TP.HCM với tiêu chí: kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh, xã hội văn minh và môi trường bền vững. Tuy nhiên, cần phải phân định vùng đô thị thuộc 5 thành phố trong tương lai để ngay bây giờ có kế hoạch thực hiện. “Chúng ta không thể xây mới một hạ tầng hoàn toàn khác so với hạ tầng hiện tại mà chỉ điều chỉnh một phần trong khối hạ tầng chằng chịt xen lẫn với các hạ tầng kỹ thuật khác”, TS Thuận nói thêm.

Việc phân định vùng địa lý 5 thành phố trong tương lai cũng là điều không chỉ quan trọng trong đồ án quy hoạch mà còn xác định tầm chiến lược trong quy hoạch xây dựng hạ tầng, kiến trúc đô thị. Chẳng hạn vùng đô thị Tây Bắc bao gồm H.Củ Chi, H.Hóc Môn và một phần Q.12 thì trung tâm hành chính là H.Củ Chi hiện nay. Với hạ tầng giao thông gồm vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, việc hình thành đô thị thành phố Tây Bắc trong tương lai là hợp lý. Trong cơ cấu kinh tế vùng đô thị có khu công nghệ cao, khu đô thị tập trung, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, khu phát triển làng nghề, khu dân cư chỉnh trang.

Theo TS Thuận, hiện luật Đất đai sửa đổi sắp có hiệu lực, việc xác định nguyên tắc bồi thường theo giá thị trường hoặc sát giá thị trường là điểm thuận lợi để TP.HCM mạnh dạn thực hiện, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tách thửa, chuyển mục đích SDĐ. Việc ngưng tách thửa trong nhiều năm qua ảnh hưởng không nhỏ quyền lợi chính đáng của người dân nên cần sớm điều chỉnh Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM.

Để khai thác nguồn lực đất đai, TS Thuận cho rằng cần phát huy vai trò Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM trong thời gian tới theo hướng thu hồi, bồi thường đất theo quy hoạch dự án được phê duyệt để tạo quỹ đất lớn nhằm thu hút đầu tư kỹ thuật công nghệ cao. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img