Ván cược của Omakase K

Nhà hàng theo phong cách Omakase của Nhật. Ảnh: O.K

Nhà hàng theo phong cách omakase của Nhật ở quận 1, Omakase K (O.K) đang gặp phải một lùm xùm truyền thông. Tuần trước, thực khách K.A.Đ (27 tuổi, sống tại TP.HCM), là một người có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, đăng tải bài viết cho biết mình đặt phòng riêng tại nhà hàng O.K, chi khoảng 20 triệu đồng cho 2 phần ăn và 2 chai rượu.

Lùm xùm xóa ảnh

Vì muốn thực hiện video ngắn khi đi ăn, cô di chuyển ra ngoài để quay một số phân cảnh về không gian nhà hàng. Khoảng vài phút sau, nhân viên vào phòng ăn của A.Đ, yêu cầu kiểm tra điện thoại và xóa hết hình ảnh vừa ghi tại nhà hàng. Lý do nhân viên đưa ra là sợ cặp vợ chồng nổi tiếng nào đó lọt vào bức ảnh. Cặp vợ chồng này được cho là Trấn Thành và Hari Won.

“Mặc dù nhân viên chưa biết tôi chụp gì nhưng vẫn đòi xoá hết hình ảnh. Việc vô tình giơ điện thoại lên chụp dính người khác là chuyện không ai muốn. Vấn đề riêng tư ai cũng hiểu, nhưng thái độ và cách xử lý của nhân viên quá kém. Thật sự tôi không có ý định chụp hình hay quay phim người nổi tiếng”, thực khách này viết trên Facebook cá nhân.

Sự việc nhanh chóng lan rộng thành một khủng hoảng truyền thông cho O.K. Hàng chục ngàn người vào thả phẫn nộ trên trang Facebook của nhà hàng, các tờ báo đưa tin.

Thông thường, gặp những lùm xùm về “cách hành xử với khách hàng” thế này, các doanh nghiệp thường mau mắn xin lỗi và có những hành động xoa dịu nhằm “dập” đi lùm xùm.

Thế nhưng, O.K chỉ tuyên bố: “Sự việc không hẳn như vậy, chúng tôi không giải thích gì thêm”.

Hành động này vô hình trung đã “ngầm” nhận hết chỉ trích và thể hiện những hành động “bị cáo buộc” ở trên kia là đúng đường lối của nhà hàng, cũng như là sẵn sàng chấp nhận mất lòng cả một tập lớn những khách hàng tiềm năng đang giận dữ trên mạng xã hội. Vì sao họ làm vậy?

Ván cược của Omakase K

Chiến dịch #StopHateForProfit (Ngừng kiếm lời từ sự thù địch) do nhiều tổ chức lớn khởi xướng nhằm ép Facebook phải xây dựng một nền tảng an toàn hơn.

Toan tính của Omakase K

Nhìn lại câu chuyện của Facebook vào năm 2020 cũng gặp một cuộc khủng hoảng. Hàng loạt các thương hiệu lớn đồng lòng tẩy chay, ngừng quảng cáo trên Facebook vì lí do Facebook “quá độc hại”. Chiến dịch tẩy chay mang tên #StopHateForProfit (Ngừng kiếm lời từ sự thù địch) do nhiều tổ chức lớn khởi xướng nhằm ép Facebook phải xây dựng một nền tảng an toàn hơn, đưa ra chính sách quyết liệt hơn để ngăn kẻ xấu phát tán thông tin gây thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc,… thay vì tiếp tục kiếm tiền từ nội dung gây phẫn nộ.

Hơn 1.000 đối tác quảng cáo lớn của Facebook như Verizon, HP, Ford, Honda, Lego, Adidas, The Body Shop, Coca-Cola, Unilever, Best Buy,… đã công khai tham gia chiến dịch tẩy chay này.

Thế nhưng, đáp lại sự tẩy chay rầm rộ này lại là sự “dửng dưng” của Zuckerberg. Nguyên nhân được rất nhiều người nhìn thấy và chỉ rõ ngay từ đầu chiến dịch. Đó là, tuy là các thương hiệu lớn, nhưng tổng tiền quảng cáo đến từ các thương hiệu tham gia tẩy chay này chỉ chiếm khoảng hơn 10% doanh thu của Facebook, nên Zuckerberg xác định luôn không mất công “lấy lòng” tập khách hàng này làm gì.

Và kết quả diễn ra đúng như tính toán của Zuckerberg, sau một vài tháng rầm rộ tẩy chay, các thương hiệu lớn lại lục tục quay về với Facebook như chưa có chuyện gì xẩy ra.

Quay trở lại với câu chuyện của nhà hàng Omakase K, trước khi được nhắc đến rất nhiều trong lùm xùm này, O.K cũng khá có tiếng và được nhiều người biết đến. Đây là một nhà hàng chuyên về hình thức Omakase có xuất xứ từ Nhật Bản. Hình thức omakase này là “tin tưởng vào đầu bếp”. Thực khách đến ăn thì không gọi món, không hỏi giá và không kén chọn. Mọi đồ ăn, trải nghiệm sẽ do đầu bếp và nhà hàng quyết định, thực khách chỉ có một việc là đến ăn.

Giá của nhà hàng O.K này cũng khá cao. Theo như bài “bóc phốt” ở trên, bạn đó phải bỏ ra 20 triệu cho một bữa. Trên thực đơn của nhà hàng, một phần cơ bản cũng giá vài triệu.

Như vậy, nhà hàng này là một nhà hàng hạng sang và chủ quán có vẻ xác định, những người trên Facebook không phải là tập khách hàng tiềm năng của mình. Giống như Zuckerberg, hành xử của nhà hàng trong vụ lùm xùm này có vẻ như đang cho thấy quan điểm của họ là “không mất công lấy lòng những khách hàng không tiềm năng”.

Song song với đó, việc vô hình trung thừa nhận bất lịch sự với khách như kể trên cũng là đang thể hiện thông điệp “chúng tôi sẵn sàng làm nhiều việc để bảo vệ sự riêng tư cho khách VIP”, mà những khách sang thì thường thích sự riêng tư. Như vậy là O.K đã hi sinh thiện cảm của tập khách hàng không tiềm năng để lấy niềm tin của các “khách VIP”.

Liệu sự tính toán này của O.K có đúng giống như trường hợp của Facebook? Một thời gian nữa sẽ có câu trả lời.