Không ‘làm khách’ khi được mời, tôi sà ngay vào bàn quà chiều của ‘tổ dân phố’ Vạn Gia, xã đảo Vĩnh Thực, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Hai rổ ốc đá luộc sả với mấy vại bia, bát tương ớt.
Chị Hoàng Thị Huệ, chủ nhà trọ của tôi, một người phụ nữ đảm đang đã một mình nuôi dạy 2 cô con gái khôn lớn, nói rằng giờ thì cuộc sống của dân đảo khấm khá, nhà cửa đã kiên cố hóa. Có lẽ lo nhất chỉ là khi có người bệnh nặng, nhưng nếu không sóng to gió cả thì cũng chỉ 10 phút đi ca nô là về đến TP.Móng Cái. Là hải đảo, nhưng Vĩnh Thực có nguồn nước ngọt khá tốt, đủ cấp cho người dân sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi. Đảo đã dùng điện lưới quốc gia, nên không lo phập phù bật – tắt…
Một trong những điểm quan trọng nhất thu hút du khách đến Vĩnh Thực chính là ngọn hải đăng. Xét về “tuổi tác”, ngọn hải đăng khá trẻ (được xây dựng năm 1962), là ngọn hải đăng đầu tiên trên đường biên giới biển của Tổ quốc về phía bắc. Cùng với 91 ngọn hải đăng trải dài từ Bắc đến Nam, “ôm” lấy đất nước từ phía biển, suốt 62 năm qua, hải đăng Vĩnh Thực đã kiên nhẫn, bền bỉ hằng đêm làm điểm tựa, niềm tin cho những con tàu.
Thiết kế của hải đăng không quá đặc sắc về kiến trúc: khu nhà phụ trợ bên dưới màu vàng nhạt, tháp đèn màu trắng hình trụ nằm phía trên. Dãy hành lang hình tròn bao quanh tháp đèn kết nối với khu nhà hình chữ nhật phía sau bởi một hành lang ngắn.
Anh Đồng Văn Cường, Trạm trưởng Trạm hải đăng, cho biết chiều cao toàn bộ của ngọn hải đăng là 86m (tính đến mực nước số “0” hải đồ), chiều cao công trình là 18 m (tính đến nền móng công trình), tầm hiệu lực ánh sáng 20,7 hải lý. Tháng 10.2023, tỉnh Quảng Ninh khánh thành đường điện và trạm biến áp ra hải đăng. “Chúng tôi được dùng điện lưới quốc gia, đã có điều hòa và tủ đông dự trữ thực phẩm”, anh Cường “khoe”. Niềm vui của người gác đèn giản dị, đơn sơ là thế…
Tôi có thói quen là đến bất cứ nơi đâu có hải đăng cũng ráng leo lên điểm cao nhất của tháp đèn cho bằng được. Từ điểm cao ấy, chợt có giây phút tôi ngỡ mình như thuyền trưởng Nemo (trong tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển), có thể phóng tầm mắt ra xa, bao quát một nửa chân trời. Không chỉ thế, ở đây lại là Biển Đông, địa đầu của Tổ quốc thân thương. Nơi xanh trời, xanh biển, xanh những cánh rừng làm nổi bật dải cát vàng nhạt nên thơ và những ghềnh đá đen sẫm…
Nhưng, tất nhiên rồi, Vĩnh Thực còn nhiều điều thú vị khác nữa. Đảo Vĩnh Thực có 2 đơn vị hành chính là xã Vĩnh Thực và xã Vĩnh Trung với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Con đường xuyên đảo rất đẹp và thơ mộng. Lác đác bên đường có những nhà dân được tô điểm bằng những bức bích họa trên tường. Thấp thoáng một dãy nhà trọ xinh xắn ẩn giữa rừng thông… Người dân Vĩnh Thực chất phác, hiếu khách, có giọng nói nằng nặng mặn mòi đang chập chững làm du lịch.
Có 2 bãi biển không nên bỏ qua khi đến Vĩnh Thực, là bãi đầu Đông và bãi Hèn. Bên rổ ốc, tôi đã thắc mắc với chị Huệ: “Sao lại là bãi Hèn? Mà có bãi đầu Đông thì có bãi đầu Tây không”? Chị Huệ cười: “Đảo có đầu Tây, nhưng phía ấy không có bãi tắm. Còn bãi Hèn, chị nghĩ ban đầu có lẽ là bãi Hẹn, rồi giọng biển, đọc chệch ra thành ra bãi Hèn, gọi lâu thành quen. Chẳng biết có phải không nữa”.
Bãi đầu Đông thì dễ lý giải hơn. Vì nó đúng là nằm ở phía đông hòn đảo, địa điểm lý tưởng để ngắm mặt trời sớm hơn chỗ khác vài giây.
Bãi đầu Đông có chiều dài tới 5,5 km, còn khá hoang sơ. Người giàu trí tưởng tượng thì bảo, bãi có hình đầu rồng. Làn nước khá trong xanh được bao bọc bởi rừng phi lao xanh ngút giống như miệng rồng, hòn núi cao là mũi rồng và các viên sỏi trắng tròn nằm rải rác nơi chân núi có thể xem như những chiếc răng rồng. Sở hữu dải cát trải dài đa sắc (trắng, vàng, nâu), bãi đầu Đông là một điểm tắm đẹp, dù chưa thể so sánh với những biển miền Trung cát trắng nắng vàng.
Nằm ở giữa đảo, bãi Hèn cũng có bờ cát mịn và thoai thoải. Điểm ngạc nhiên là ở mỗi bãi biển này đều chỉ có một quán duy nhất cung cấp dịch vụ tắm nước ngọt và ăn uống. Không có cảnh bon chen giành khách. Chủ quán đủ niềm nở, nhưng không chèo kéo, cố bán được nhiều hàng. Đảo cũng chỉ có một cơ sở duy nhất cung cấp dịch vụ xe điện, nằm ngay sát bến Vạn Gia.
Có lẽ vì Vĩnh Thực là xã đảo thuộc vành đai biên giới nên cũng không thể phát triển du lịch một cách ồ ạt, xô bồ chăng? Nhưng với lượng khách hiện nay thì như thế cũng là vừa đủ để du khách cảm thấy thuận tiện, mà xã đảo thì vẫn giữ được vẻ mộc mạc, nguyên sơ; người dân đảo vẫn giữ được nhịp sống bình thường, êm ả như cha ông họ đã từng sống…
Nguồn: thanhnien.vn