VTV.vn – Tổng cầu trong nước đang suy giảm nên rất cần những chính sách hỗ trợ hữu hiệu từ Chính phủ để thông qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu trong nước đang ở mức thấp
Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2024. Qua đó cho thấy, cầu tiêu dùng quốc tế đang phục hồi nhưng trong nước vẫn yếu.
Đánh giá về nền kinh tế nước ta trong nửa năm qua, TS. Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp.
Cầu tiêu dùng quốc tế đang phục hồi nhưng trong nước vẫn yếu.
“Từ đầu năm 2024 đến nay, sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng chậm năm 2023, với hoạt động sản xuất bắt đầu được cải thiện nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn vốn FDI ổn định. Song, cả đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn đang tụt hậu so với mức trung bình trước khi có bão dịch”, TS. Dorsati Madani phân tích.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm lớn như xe máy, ô tô, đồ gia dụng cỡ lớn và nhà và nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi.
Giải bài toán hỗ trợ tổng cầu
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nền kinh tế có hai động lực tăng trưởng chính, đó là xuất khẩu và nhu cầu trong nước.
Về xuất khẩu, hiện đang được cải thiện và có triển vọng tăng trưởng nửa cuối năm vì thương mại quốc tế dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới. Song, những bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu vẫn còn cao và sự bất định, rủi ro vẫn còn đó. Về nhu cầu trong nước là tiêu dùng và đầu tư tư nhân cũng dự kiến sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm.
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững thì tất nhiên hai vấn đề này rất cần giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn về chính sách của Chính phủ.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đặt ra yêu cầu về phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển trong bối cảnh mới.
Với tiềm năng thị trường nội địa có hơn 100 triệu dân, việc thúc đẩy tổng cầu sẽ giúp cho Việt Nam không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn phát triển bền vững, tự chủ và tăng khả năng chống chịu với những cái cú sốc từ bên ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng là Chính phủ phải thực hiện chính sách hỗ trợ tổng cầu thông qua chi tiêu vốn, rõ ràng cải cách kế hoạch và thực hiện ngân sách đầu tư là ưu tiên hàng đầu, bao gồm cả yêu cầu cần áp dụng quan điểm chiến lược và có tính khu vực hơn đối với các dự án quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, dựa trên diễn biến của thực tế, Chính phủ cần cân nhắc sức mạnh của USD, việc giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi đầu tư tư nhân có thể làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Theo WB, Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước, tuy nhiên trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá, do vậy WB khuyến nghị cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư.
Trên thực tế, để hỗ trợ tổng cầu nhằm kích thích tăng trưởng Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.
Trong đó, điển hình để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ vừa đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2024 (kéo dài thêm 6 tháng so với quyết định hồi cuối năm 2023, đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất VAT 10%). Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách này sẽ giảm bớt phần nào chi phí sinh hoạt trong mua sắm các mặt hàng tiêu dùng.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, kích cầu giảm giá trong khi người tiêu dùng không có nhu cầu mua sắm cũng không thể thúc đẩy tăng trưởng. Bởi lẽ lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 5 tháng qua dù chỉ tăng 7,4% nhưng lại chiếm tỷ trọng cao nhất. Vì thế, bên cạnh việc giảm thuế VAT và khuyến mãi trực tiếp cho hàng hóa, dịch vụ, đại diện các doanh nghiệp cho rằng phải có những giải pháp liên quan đến các ngành hỗ trợ. Đơn cử như giải pháp liên quan đến thị trường bất động sản, tạo công ăn việc làm ổn định, lãi suất ngân hàng và giá vàng, ngoại tệ ổn định… tạo niềm tin của người tiêu dùng tốt hơn. Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp kích thích các ngành công nghiệp phục vụ cho lĩnh vực phân phối và dịch vụ như logistics, hạ tầng, công nghệ… để tạo đà thúc đẩy cho lĩnh vực bán lẻ…
Ngoài ra, theo khuyến nghị của một số chuyên gia, để thúc đẩy tổng cầu, cần tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, trọng tâm là cơ sở hạ tầng, các dự án công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, phát triển nhà ở xã hội và trường học. Bên cạnh đó, cần đặt đúng khu vực tư nhân là động lực quan trọng (tạo môi trường đầu tư thuận lợi; Hỗ trợ tiếp cận các nguốn lức như đất đai, tín dụng, công nghệ mới; giảm thiểu tối đa thuế, các loại phí…); Để kích cầu tiêu dùng, cần gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo; nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế GTGT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng góp phần tăng tổng cầu…/.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!