Friday, June 28, 2024

Giảm căng thẳng thi lớp 10: Giải ‘bài toán’ phân luồng

Văn bản pháp quy về hướng nghiệp, phân luồng, đào tạo nghề ở nước ta ngày càng đồng bộ và hoàn thiện. Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, kết quả đạt được còn xa với mục tiêu đặt ra.

Phân luồng học sinh (PLHS) là xu hướng chung của giáo dục (GD) thế giới. Một số nước phân luồng sớm ngay sau tiểu học, như Singapore hay Đức, nhưng đa số các nước PLHS sau THCS, tức là khi học sinh (HS) kết thúc giai đoạn GD cơ bản.
Giảm căng thẳng thi lớp 10: Giải 'bài toán' phân luồng

Do nhiều yếu tố, kỳ thi lớp 10 ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội thường khá căng thẳng

NGỌC DƯƠNG

CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ

Ở nước ta, PLHS là một chủ trương nhất quán trong đường lối GD của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định mục tiêu: “Bảo đảm cho HS có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng…”.

Thực hiện mục tiêu trên, Quốc hội, Chính phủ và các bộ liên quan ban hành các văn bản pháp quy về PLHS ngày càng đồng bộ và hoàn thiện.

Trước hết, đó là luật GD Nghề nghiệp (GDNN) được Quốc hội ban hành năm 2014, quy định đầy đủ về GDNN.

Kế đến, chủ trương PLHS mạnh sau THCS được cụ thể hóa tại Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu trình độ hệ thống GD quốc dân. HS tốt nghiệp THCS có thể học tiếp theo một trong 4 luồng sau: THPT; sơ cấp GDNN; TC GDNN; và THPT theo hệ GDTX-GDNN. Đối tượng phân luồng là tất cả HS tốt nghiệp THCS, ở độ tuổi 15, không chỉ là HS trung bình, yếu.

Ngoài ra, chương trình GD phổ thông ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, quy định chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn GD cơ bản (từ lớp 1 – lớp 9) và giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 – lớp 12). Quy định này phù hợp với GD thế giới về PLHS.

Chưa kể, luật GD 2019 quy định hướng nghiệp và PLHS gắn liền với nhau.

Còn Đề án “GD hướng nghiệp và định hướng PLHS trong GD phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu: Đến năm 2020 có ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN trình độ sơ cấp, TC; đối với các địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, hai tỷ lệ trên tương ứng là 40% và 30%.

Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Nghị định này quy định miễn học phí học nghề đối với “Người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ TC”.

Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT, quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN với HS có bằng THCS. Sau khi HS đã học và thi đạt yêu cầu thì được cơ sở GDNN cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn của GDNN. Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN- GDTX.

Như vậy, từ sau khi có Nghị quyết số 29 đến nay, nước ta đã từng bước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư, chính sách, giải pháp về PLHS một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho các trường THCS, THPT và cơ sở GDNN thực hiện hướng nghiệp, PLHS và đào tạo nghề thuận lợi và hiệu quả hơn.

KẾT QUẢ PHÂN LUỒNG CÒN XA VỚI MỤC TIÊU

Theo Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2016 – 2020 số lượng HS tốt nghiệp THCS đi học nghề là 980.620 người, chiếm khoảng 66,83% so với tổng số HS vào học TC, tương ứng mỗi năm có khoảng trên 196.124 HS tốt nghiệp THCS vào học TC nghề, chiếm tỷ lệ gần 15%.

Giảm căng thẳng thi lớp 10: Giải 'bài toán' phân luồng

Năm nào cũng vậy, khi thí sinh bước vào phòng thi lớp 10 là phụ huynh hồi hộp, âu lo, căng thẳng bên ngoài trường thi

NHẬT THỊNH

Trên phạm vi toàn quốc, PLHS sau THCS vẫn còn nhiều khó khăn, còn xa với mục tiêu đặt ra. Theo PGS-TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học GD VN), phần lớn các tỉnh/thành đều có trên 75% HS sau THCS học tiếp THPT, thậm chí có địa phương trên 80%, 90%. Các tỉnh miền núi càng khó khăn hơn. Chẳng hạn, theo số liệu từ Trường CĐ Gia Lai, giai đoạn 2018 – 2021, toàn tỉnh có số HS THCS lên THPT bình quân khoảng 80%, 1,8% học TC, 5,53% học sơ cấp và 11,9% tham gia lao động.

Thực hiện mục tiêu phân luồng mạnh sau THCS, trong giai đoạn vừa qua, một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… đã giảm chỉ tiêu lớp 10 đối với các trường công lập.

Điển hình là TP.HCM, địa phương có nhiều tiến bộ trong PLHS sau THCS, tỷ lệ HS vào lớp 10 THPT ngày càng giảm: Năm 2014, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS học THPT đạt 86,03%, năm 2015 đạt 81,09%, năm 2019 đạt 76,85%, những năm gần đây đạt trên 70% (cả công lập và tư thục). Số HS còn lại, gần 30% học sơ cấp, TC hay CĐ nghề, đi du học, học ở các trung tâm GDNN-GDTX. Đây là hướng đi tích cực, đảm bảo phân luồng mạnh sau THCS và THPT có chất lượng. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, TP.HCM luôn nằm trong top 10 kỳ thi THPT và hằng năm có trên dưới 70% HS đỗ ĐH trong tổng số HS tốt nghiệp THPT.

Hà Nội những năm gần đây chỉ tiêu vào lớp 10 công lập cũng dao động khoảng 60 – 70%.

Tuy nhiên, do giảm chỉ tiêu công lập cùng với những vấn đề như thiếu trường lớp, chất lượng GD chưa đồng đều, phụ huynh chưa muốn con em đi học nghề… đã dẫn đến căng thẳng trong kỳ thi lớp 10 ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.

Chẳng hạn như ở Hà Nội, với hơn 8 triệu dân, thủ đô cần tối thiểu 415 trường THPT nhưng hiện còn thiếu khoảng trên dưới 150 trường. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng hằng năm do sự tăng dân số cơ học nên số lượng HS dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn TP tăng nhanh, trong khi số trường, lớp xây mới, bổ sung chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân.

GDNN VẪN CÒN TÁCH BIỆT VỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng PLHS sau THCS chưa đạt như kỳ vọng. Trước hết, đó là đại đa số phụ huynh và HS mong muốn có bằng cấp, ít nhất là bằng THPT, rồi sau đó có thể học lên ĐH, học nghề, xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp lao động.

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, GDNN hòa nhập với GD phổ thông và ĐH. Vì vậy, trường trung học gồm có: THPT công nghệ (dành cho những HS sẽ tiếp tục lên ĐH), trung học nghề (dành cho những HS muốn ra đời sớm) và trung học kết hợp/tổng hợp (có hệ học nghề và học văn hóa bổ sung và hệ học văn hóa THPT kèm theo học nghề dành cho HS khá, giỏi THCS).

Trong khi ở VN, GDNN và GD phổ thông do 2 bộ quản lý nên đối với GD phổ thông phổ biến là trường THPT (THPT bình thường, THPT chuyên). Ngay cả trung tâm GDNN-GDTX, nhưng HS chủ yếu là học hệ GDTX cấp THPT, việc học nghề rất ít và teo dần, gần như bằng không.

Mô hình “Đào tạo 9+” tại các trường CĐ nghề là một hướng đào tạo mới (giống như Nhật Bản), thu hút nhiều HS tốt nghiệp THCS khá, giỏi. Với hệ đào tạo này, các em vừa học TC nghề (được miễn học phí), vừa học văn hóa theo hệ GDTX. Tuy nhiên, có 2 vấn đề trở ngại: thứ nhất, HS muốn học để thi lấy bằng THPT phải học văn hóa tại các trung tâm GDNN-GDTX; thứ hai, đa số HS vào học hệ 9+ là HS trung bình và yếu, khó đảm bảo yêu cầu học tập cường độ và yêu cầu cao, nhiều HS không theo kịp nên bỏ học. (còn tiếp)

Giải pháp giảm căng thẳng thi lớp 10

Trước hết cần tuyên truyền sâu rộng trong xã hội về pháp luật, chính sách, giải pháp PLHS. GD hướng nghiệp cần nâng cao nhận thức và khả năng chọn nghề nghiệp cho HS, đồng thời khẳng định người lao động trong xã hội ngày nay không chỉ biết một nghề mà phải nhiều nghề và học tập suốt đời để dễ dàng chuyển việc làm.

Nhà nước, các bộ, ngành tạo điều kiện và đặc biệt là các trường THCS khuyến khích HS khá, giỏi theo học hệ “Đào tạo 9+” ở các trường CĐ nghề. Theo kết quả đánh giá PISA đối với HS lứa tuổi 15 của OECD, HS Việt Nam luôn đứng thứ hạng cao, trên trung bình các nước OECD, qua đó, khẳng định rằng, sau 15 tuổi (THCS), các em có đủ điều kiện theo đuổi sớm một nghề nào đó phù hợp.

Trường CĐ nghề và trung tâm GDNN-GDTX cần phối hợp một cách dễ dàng, thuận lợi vì quyền lợi người học bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo điều kiện để HS thi và lấy bằng THPT.

Ngành GD và ngành LĐ-TB-XH phối hợp xây dựng hệ thống thông tin dự báo nhu cầu nhân lực địa phương, nhu cầu đào tạo, cơ cấu trình độ đào tạo để phục vụ cho GD hướng nghiệp ở các trường THCS, THPT hiệu quả.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img