Mô hình kinh doanh mới lạ hơn cho báo chí

Nền tảng tin tức Particle muốn tạo nên trải nghiệm mới mẻ hơn cho người dùng

Với những người trong nghề, 20 năm qua là khoảng thời gian khó khăn cho các loại hình truyền thông truyền thống, khi quảng cáo mạng xã hội dần thống lĩnh và các nhà xuất bản phải tranh giành nhau những nguồn doanh thu mới.

Các nghiên cứu cho thấy ở Mỹ, hơn 30% số tờ báo, gần 70% công việc làm báo đã biến mất trong khoảng thời gian này. Chỉ tính riêng năm 2023, gần 2.700 nhân sự ngành báo chí mất việc. Trong khi đó, đối tượng khán giả ngày càng bị thu hẹp lại. Điều này đúng với nhiều loại hình truyền thông như đài truyền hình địa phương, báo chí và đài phát thanh công cộng.

Có thể xem đây là một hệ lụy không dễ giải quyết khi công nghệ phát triển. Thế nhưng giờ đây startup Particle đang muốn dùng công nghệ nổi bật nhất hiện nay, AI, để vực dậy những ngành truyền thông truyền thống.

AI hiện đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của mọi ngành, từ việc tăng tốc độ giao tiếp cho đến khả năng định hình lại cách người dùng tương tác với nhiều loại thiết bị. Về phía Particle, với việc tích hợp GPT-4 và GPT-4o của OpenAI, mục tiêu của họ là tạo ra trải nghiệm mới cho người dùng và mô hình kinh doanh mới cho ngành công nghiệp tin tức.

Phát biểu về mục tiêu này, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Sara Beykpour chia sẻ: “Khoảng một năm rưỡi trước, chúng tôi bắt đầu nghĩ về cách thức tích hợp AI tạo sinh vào các ứng dụng để giúp kết nối độc giả với những loại nội dung mà họ quan tâm, đồng thời cải thiện trải nghiệm người dùng.”

Theo Particle, thứ mà họ cung cấp cho người dùng là trải nghiệm tin tức hợp lý và được cá nhân hóa, tức là người dùng sẽ được đọc, được xem những chủ đề mà họ quan tâm.

Đối với mỗi chủ đề, nền tảng của Particle sẽ tổng hợp tin tức từ nhiều nguồn, tạo ra một bản tóm tắt chung và cho phép người dùng đặt câu hỏi, sau đó nó tự trả lời câu hỏi bằng chính các dữ liệu tổng hợp được. Particle còn có tính năng “Explain It Like I’m Five”, hỗ trợ giải thích mọi thứ theo ngôn từ đơn giản nhất có thể; cũng như tính năng Opposite Sides, có tác dụng đưa ra các lập luận khác nhau để giải thích nhiều quan điểm.

Beykpour khẳng định Particle sẽ kiểm tra kỹ nội dung được AI tạo ra so với nguồn để đảm bảo độ chính xác. Khi đưa ra kết quả, Particle cũng sẽ cung cấp trích dẫn trực tiếp.

Không chỉ đem đến trải nghiệm mới lạ cho người dùng, Beykpour còn hướng đến mô hình kinh doanh cho các nhà xuất bản. Ý tưởng này đến từ kinh nghiệm làm việc trong quá khứ của cô.

Beykpour từng giữ chức giám đốc quản lý sản phẩm của Twitter đến cuối năm 2021, làm việc trong sản phẩm dịch vụ thuê bao Twitter Blue. Tại đây, cô từng chinh chiến qua thương vụ mua lại Scroll. Về cơ bản, Scroll là một dịch vụ thuê bao hỗ trợ loại bỏ quảng cáo khỏi website tin tức, sau đó trích lại một phần lợi nhuận cho các nhà xuất bản.

Beykpour chia sẻ rằng bản thân cô luôn chú ý đến mô hình kinh doanh hai bên cùng có lợi này này, vậy nên với Particle, cô cũng muốn áp dụng môi trường tương tự, nơi cả Particle, người đọc và các nhà xuất bản/nhà báo đều cùng được hưởng lợi.

Particle ra đời tháng 2 năm 2023, hiện đang là đối tác của Reuters và Axel Springer, đơn vị sở hữu các ấn phẩm như Business Insider hoặc Politico. Cái tên Particle vừa tương tự article (bài báo) vừa có nghĩa là “hạt”, thứ cấu thành nên nguyên tố nguyên tử thiết yếu của mọi vật chất.

Hồi đầu tháng, Particle vừa kết thúc vòng gọi vốn Series A trị giá 10,9 triệu USD. Họ dự kiến dùng số tiền này để đẩy mạnh quá trình tuyển dụng nhân sự, ký kết hợp tác với nhiều tờ báo khác và chuẩn bị ra mắt tại Mỹ.

Beykpour chưa tiết lộ ngày ra mắt cụ thể. Ứng dụng này vẫn chỉ đang ở giai đoạn beta riêng tư. Cô cho biết đội nhóm của mình muốn đảm bảo sản phẩm phải họat động hiệu quả, vậy nên họ sẽ ra mắt khi mọi thứ thực sự sẵn sàng.