Friday, June 28, 2024

Sài Gòn du lãm: Lễ hội của người An Nam và người Hoa

Lễ hội đón tết là lễ hội mở đầu năm mới của người An Nam, thường bắt đầu vào tháng 2 tây lịch.

Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, người bản xứ tham gia những cuộc chè chén tiệc tùng điên rồ nhất. Hoạt động thương mại “đình trệ”, không có cách nào kiếm được một ống gạo. Mọi người đều ráng kiếm một số tiền lớn bằng cách bán đi hoặc cầm cố những gì vướng víu, bởi lẽ bằng mọi giá phải có tiền đặng ăn chơi những ngày hội hè này.
Sài Gòn du lãm: Lễ hội của người An Nam và người Hoa

Múa lân sư rồng. Tranh của A.Paris, bản khắc của Rousseau

Thư viện Quốc gia Pháp

TẾT NGUYÊN ĐÁN

Ngay từ sáng sớm ngày lễ chính, tiếng pháo đã bắt đầu nổ rền trời. Người An Nam và người Hoa diện áo quần xúng xính. Người Hoa nổi bật với những bộ đồ lụa màu sắc rực rỡ và những chiếc mũ lớn đính hạt cườm lấp lánh.

Những ai làm ăn với người Âu dù ở cương vị nào cũng đều mặc lễ phục tới nhà người ta cùng tấm danh thiếp dài như sớ, viết chữ loằng ngoằng trên giấy đẹp và rắc nhũ vàng.

Chưa dừng ở đó, họ còn đem theo đầy quà cáp, thậm chí là quá nhiều bởi vì sự lịch thiệp không cho phép ai được nhận tất cả nhưng người ta cũng không thể làm mích lòng một nhà cung cấp nếu không nhận một gói trà hay vài thức quả từ trong gói quà của anh ta.

Người nhà sẽ gợi ý khách vô số món ăn vặt. Đầu bếp kín đáo chuẩn bị một trong những món bánh ngon nhất của anh ta để gây sự ngạc nhiên thích thú.

Trang phục của trẻ nhỏ là thứ đặc biệt được quan tâm, vì nó luôn là một trong những thứ phong phú nhất. Đứa bé nào cũng được trang điểm, chải chuốt ngộ nghĩnh nhất có thể. Chẳng phải từ đằng xa ta đã nhận thấy bộ y phục duyên dáng y như trang phục dành cho những ngày lễ Mardi Gras [Thứ Ba béo] đó sao?

Mỗi căn nhà của người bản xứ được chăng đèn, kết hoa, treo cờ, câu đối các loại và nếu bước vào trong nhà, ta sẽ thấy bàn thờ tổ tiên được bài trí hoa, những chiếc bàn bày kín đồ ăn.

Sau những cuộc thăm viếng, ngoài chơi bời thì thời gian còn lại dành cho ăn uống thả cửa và làm náo loạn bằng tiếng pháo nổ. Những dân tộc này thật kỳ lạ, bên ngoài thì có vẻ hiền lành nhưng lại ưa trò giải trí ồn ào đó. Không thể biết chính xác tiếng pháo nổ ở đâu trong những ngày lễ này; đến nỗi không thể nào ra ngoài bằng xe mà không gặp nguy hiểm, bởi những chú ngựa bản xứ không quen với tiếng nổ này.

Những nhân vật bản xứ quan trọng, đương nhiên đều tụ họp gia đình trong những ngày vui này; và ông Đốc phủ Chợ Lớn [Đỗ Hữu Phương] cũng quy tụ đông đảo con cháu về trong dinh thự mênh mông của mình. Ông cũng mời cả khách người Âu đến, và đây là một trong những vinh dự cho những ai góp mặt ở buổi tiệc thường niên này. […].

LỄ HỘI RỒNG

Lễ hội của người Hoa diễn ra khá thường xuyên nhưng nổi bật nhất là lễ tổ tiên, lễ hòa bình, lễ làm ăn và buôn bán…, lễ hội Rồng thì được tổ chức vào giữa tháng 4.

Những lễ hội này tiêu tốn rất nhiều chi phí và đó là chỉ dấu cho thấy người Hoa làm ăn ở thuộc địa của ta đang rất giàu có nhờ buôn bán và họ cực kỳ tin tưởng ở tương lai.

Người Hoa sinh hoạt theo bang hoặc hội có thủ lĩnh, có kiểm soát và tập quán đặc thù; mỗi hội quán có đền miếu riêng, trong dịp lễ hội thì trang hoàng theo mức độ giàu có khác nhau.

Ví dụ, miếu thờ của hội quán Quảng Châu thực sự là kỳ quan; sâu trong chánh điện là những bức tượng gỗ mạ vàng tượng trưng cho các vị thần và những bậc hiền triết nổi danh nhất của đế quốc Trung Hoa. Ngay trước ban thờ bày vật phẩm tự nhiên, bánh trái là một lư hương khổng lồ, hai bên lư hương là hai chân đèn nổi bật trên những tấm trướng thêu kim tuyến, dưới ánh sáng của những ngọn đèn chùm chạm khắc tinh tế. Một hàng dài người An Nam và người Hoa không ngớt nối nhau diễu qua trước tất cả những vật quý giá ẩn tàng này.

Nổi bật nhất trong các loại lễ hội chính là lễ lân sư rồng, điểm lý thú là nó có phần giống với lễ rồng xứ Provence. Đó là một đám rước bộ hành mặc trang phục kỳ dị, phân nhóm theo từng hội quán, đám diễu hành gồm có xe ngựa, rương hòm, ban thờ sơn son thếp vàng, am miếu và kiệu đủ hình dáng, trên kiệu là những đứa bé ngồi trang nghiêm phăng phắc dưới cái nắng như thiêu đốt. Chúng mặc y phục lấp lánh đóng giả những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa hoặc các vị thần trong truyền thuyết: xin miễn đi vào chi tiết.

Đồng hành với đám rước là kèn, trống, nhạc cụ chói tai, sáo the thé, tất cả tạo thành một mớ âm thanh nghịch nhĩ chưa từng có, và mỗi giây phút trên suốt chặng đường là một tiếng pháo nổ kinh thiên động địa, bởi vì không có một lễ hội nào, dù là lễ hạ sinh, ma chay, cưới hỏi mà lại thiếu thanh âm ồn ĩ; đó là một nhu cầu chính đáng của giống dân hiền lành và im ắng này, để được xả hơi hết cỡ trong những cuộc hội hè trổ trời như vậy.

Đi cuối đám rước là một con rồng khổng lồ bằng bìa giấy phết màu. Một anh chàng vạm vỡ ẩn dưới hình thể đầy vảy của quái thú để thực hiện những động tác múa lượn như rồng. Đầu rồng là một kiệt tác thực sự, nó có thể mở miệng, đảo mắt, thè lưỡi và thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau một cách tuyệt vời.

Cơ thể của con rồng nối nhau “bằng những nếp gấp quanh co”, nó nhảy múa tưng bừng theo âm thanh ma quái của cồng chiêng và trống tam-tam.

Trước các tòa nhà của chính quyền, con rồng không quên cúi chào lịch sự rồi biểu diễn những vũ điệu vui nhộn độc đáo để tỏ lòng tôn kính quan khách.

Vẻ ngoài của đám rước lộn xộn này không nên thơ như người ta tưởng và đậm chất địa phương; dưới cái nắng chói chang, đoàn người dài dặc, bụi bặm, ồn ào và sôi động với hàng trăm cờ xí, cờ hiệu đủ màu sắc phấp phới trong tay của những người ăn mặc dị thường. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img