Di sản của những làng chài ở Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) đang được gìn giữ và phát huy bởi những con người giàu tâm huyết, hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đậm tình làng chài.
1. Những ngày này, ông Huỳnh Văn Mười (57 tuổi, trú 56/15 Võ Nguyên Giáp, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) đang tất bật lo cho chương trình văn nghệ Mân Thái một miền thương (tổ chức ngày 28.6). Đây là hoạt động do chính ông Mười đứng ra xin phép, tổ chức với nguồn huy động từ những nhà hảo tâm.
“Hình ảnh làng chài xưa sẽ hiện ra trên sân khấu với hậu cảnh là không gian mở, nhìn ra biển. Những ca khúc về quê hương bản xứ, những khúc hát bả trạo, hò khoan đối đáp, hô hát bài chòi… sẽ được các nghệ sĩ vừa nổi tiếng vừa “cây nhà lá vườn” biểu diễn. Du khách có thể tham gia cùng chúng tôi”, ông Mười nói.
Tiết lộ về cách bài trí sân khấu, ông Mười bảo chắc chắn phải có những giàn lưới đánh cá, một vầng trăng khuyết như để hướng về những phụ nữ khiếm khuyết và cũng mang ý nghĩa khi có trăng thì ngư dân nghỉ đi biển để vui chơi, giải trí.
Là một người nhiều hoài niệm, ông Mười nhớ như in cảnh ngày xưa, những lúc trăng tròn, bờ biển trở thành không gian nghệ thuật, tuy giản dị nhưng hết sức độc đáo. Dưới ánh sáng bàng bạc chiếu rọi mặt biển, đông đảo ngư dân lại được thưởng thức các tiết mục âm nhạc dân gian, đặc biệt là hò bả trạo. Trong lần tái hiện này, ông sẽ mời cụ Phùng Phú Phong (92 tuổi) hóa trang và thể hiện các trích đoạn bả trạo.
“Ngày xưa, lúc trăng tròn, nam nữ tụ họp ca hát cho mọi người nghe. Cảnh sinh hoạt đó khi nào tôi cũng luyến nhớ. Chương trình âm nhạc lần này sẽ đưa người dân, du khách về với những đêm nhạc của làng chài xưa. Bên cạnh những ca khúc mang âm hưởng dân ca như Tân Thái khúc hát tình quê, Tình cha hồn biển, Đôi bầu gánh mẹ…, sẽ có nhiều phần dành cho văn nghệ đặc trưng của làng biển”, ông Mười nói và kể thêm: “Du khách tham gia với chúng tôi sẽ chỉ bỏ ra 20.000 đồng/vé mà thôi. Chỉ ngần ấy tiền, khách sẽ được đắm mình trong không gian âm nhạc mộc mạc, khơi gợi nhiều cảm xúc và cũng góp phần giúp phụ nữ nghèo, khó khăn”.
2. NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, khi viết về chủ trương “xả bản” tàu nhỏ đã rất trăn trở khi nhớ lại hình ảnh phương tiện gắn bó với ngư dân đánh bắt gần bờ.
Theo ông Hùng, năm 2016, làng chài Mân Thái có nhiều chiếc ghe (thuyền) bị “xả bản”. Nhìn phương tiện gắn bó thiết thân của mình để ra khơi hành nghề mưu sinh bị cưa xẻ thành các mảnh nhỏ, nhiều ngư dân không cầm được nước mắt. Khi chấp nhận “xả bản”, mỗi chiếc thuyền sẽ được hỗ trợ trên dưới 20 triệu đồng để làm vốn chuyển đổi ngành nghề. Nhưng thực tế, việc chuyển đổi ngành nghề đối với người dân làng chài luôn gặp khó.
“Giá như nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng hơn, vừa thực hiện tốt chủ trương đô thị hóa vừa đảm bảo cho người dân sống được với chính cái nghề truyền thống của mình thì sẽ hợp lý, nhân văn hơn rất nhiều”, ông Hùng tiếc nuối.
Cũng bởi tiếc nuối nghề xưa mà ông Lý Hữu Tiến (50 tuổi, trú tổ 103, P.Thọ Quang) – người cuối cùng giữ nghề đan thuyền thúng – vẫn còn bám trụ với nghề. Ông Tiến bảo sự phất lên của loại thúng composite đã đẩy ông vào cảnh thất nghiệp, trở thành thuyền viên đi “bạn” cho các chủ tàu, loanh quanh gần bờ vài ngày để kiếm ít tiền công. Dù vậy, hễ cứ rảnh là ông lại chẻ tre đan, nứt vành, vô dầu…
“Cách thức đan những chiếc thúng chai từ thân tre dẻo dai, chịu được sóng gió ở Hoàng Sa chỉ còn tôi nắm, biết. Bỏ nghề thì dễ, nhưng tiếc lắm!”, ông Tiến chia sẻ.
Những lần nhìn chiếc thúng composite được vẽ tranh bích họa trưng bày cho du khách xem, ông Tiến có chút chạnh lòng vì cuộc sống hiện đại đã đẩy lùi những nét xưa cũ, mà thuyền thúng đan là một minh chứng. Nửa đời người gắn bó với nghề, điều khiến ông lấy làm vui là ngày ngày khách vẫn tìm đến làng chài nhỏ bé để tham quan, trải nghiệm. Cảnh thúng úp, thúng ngửa nằm trên bãi cát trắng đi vào những bức ảnh của du khách quốc tế thôi thúc ông phải níu nghề này.
“Đó cũng là chút tình tôi giữ cho làng biển”, ông Tiến nói.
3. Theo NSND Huỳnh Hùng, lễ hội cầu ngư mang tính chất tín ngưỡng, tâm linh của cư dân miền biển đất Quảng (văn hóa phi vật thể quốc gia) đã được khôi phục tại một số phường vốn là làng chài trước đây. Tuy nhiên, nên giữ nguyên bản, nguyên gốc những gì mà các thế hệ đi trước đã làm, tránh tối đa việc thêm thắt, bổ sung, đưa những yếu tố hiện đại vào một cách khiên cưỡng làm mất đi bản sắc lễ hội. Và nếu lễ hội được tổ chức như xưa thì khả năng thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế, đến tham quan, tìm hiểu sẽ nhiều hơn, từ đó góp thêm sản phẩm cho ngành du lịch địa phương.
Là một người tâm huyết với văn hóa làng biển, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, cũng dành nhiều sự quan tâm đối với việc phát triển sản phẩm du lịch của các làng biển. Ông nhận định lễ hội cầu ngư là hoạt động thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân ven biển. Vì vậy, lễ hội cấp quận hằng năm được tổ chức luân phiên giữa 3 phường Mân Thái, Nại Hiên Đông và Thọ Quang.
Năm 2024, lễ hội được tổ chức tại lăng Ngư Ông (P.Nại Hiên Đông) đã được nâng tầm, dài ngày hơn (4 ngày), cùng rất nhiều hoạt động đậm tính dân gian của làng chài, trong đó giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.
“Lễ hội này sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phát huy nét đẹp văn hóa cộng đồng trong đời sống hiện đại, trở thành điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương”, ông Huỳnh Văn Hùng kỳ vọng.
***
Hôm diễn ra lễ cầu ngư, lần đầu tiên nhiều ngư dân mang sản phẩm lưu niệm cùng tôm, mực, cá khô, nước mắm… ra “tiếp thị” với du khách. Với làn da rám nắng, giọng nói đậm chất miền biển cùng cung cách giao tiếp chất phác, thật thà, nhiều ngư dân đã để lại ấn tượng sâu đậm. Du khách ra về, mang theo rất nhiều món đặc sản chan chứa tình làng chài…
Nguồn: thanhnien.vn