Với việc bổ nhiệm chủ tịch mới cho khu vực Đông Nam Á, Boeing đang có những bước đi cần thiết trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng tại khu vực.
Mới đây, theo tiết lộ của gã khổng lồ hàng không và vũ trụ Mỹ, bà Penny Burtt sẽ trở thành chủ tịch mới của hoạt động kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á của Boeing kể từ ngày 3/7 tới đây.
Bà Penny Burtt cũng sẽ là giám đốc và chủ tịch của Boeing Singapore, đồng thời là người đứng đầu của Boeing Indonesia. Bà sẽ là người giám sát chiến lược cũng như hoạt động của công ty khi Boeing mở rộng sự hiện diện trong khu vực.
Theo hồ sơ LinkedIn, bà Penny Burtt hiện là người đứng đầu bộ phận chính sách công và quan hệ chính phủ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Stripe, một công ty đa quốc gia cung cấp phần mềm xử lý thanh toán. Bà cũng đã từng đảm nhiệm một số vai trò, bao gồm cả vị trí tại các công ty như Visa và McKinsey & Company. Trước đó, bà cũng từng là nhà ngoại giao từ năm 2006-2010, là phó cao ủy Australia tại Singapore.
Ông Brendan Nelson AO, chủ tịch của Boeing Global cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi có Penny Burtt gia nhập Boeing vì bà ấy mang đến sự kết hợp mạnh mẽ giữa kỹ năng ngoại giao và kinh doanh trong suốt 25 năm làm việc trong khu vực công và tư nhân trên toàn khu vực”.
Tập trung vào khu vực Đông Nam Á
Trên thực tế, quan hệ đối tác của Boeing với khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu rất lâu, từ những năm 1940, khi ngành hàng không nói chung của khu vực vẫn còn sơ khai. Trong suốt những năm qua, gã khổng lồ của Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực hàng không vũ trụ của khu vực trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng và dịch vụ.
Thời điểm hiện tại, Boeing đã xây dựng năng lực hàng không vũ trụ và quốc phòng trong khu vực với các văn phòng ở Singapore, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Khu vực này được coi là một trong những thị trường máy bay thương mại phát triển nhanh nhất thế giới và nhu cầu quốc phòng của khu vực cũng đang mở rộng nhanh chóng.
Theo một dự báo triển vọng thị trường của Boeing về Đông Nam Á, khu vực này có thể có nhu cầu đến 4.210 máy bay mới trị giá 650 tỷ USD trong hai thập kỷ tới. Khu vực này cũng dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng giao thông hàng năm ở mức 6,2%, vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1,5%.
Rõ ràng, Boeing đang có một niềm tin rất lớn ở nơi đây khi đã từng đánh giá cao khu vực này. Họ cho rằng, với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, trong một thị trường tiếp tục tự do hóa, cùng với ngành du lịch trong nước, khu vực và quốc tế phát triển mạnh mẽ, Đông Nam Á có thể sẽ trở thành một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong nay mai.
Riêng tại Việt Nam, Boeing cũng rất coi trọng mối quan hệ hợp tác trong phát triển công nghệ với các đối tác và các khách hàng. Với việc thành lập văn phòng ở Việt Nam và thành lập ty TNHH Boeing Việt Nam vào năm 2021 vừa qua, Boeing tiếp tục cho thấy một dấn ấn mới trong chiến lược mở rộng tại khu vực, đồng thời có những định hướng trong việc khai thác tiềm năng của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, để cùng hướng tới một ngành hàng không sáng tạo, bền vững và hiệu quả.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn