Quốc gia Đông Phi – Ethiopia có lịch chậm so với các vùng khác trên thế giới tới 7 – 8 năm do giữ gìn bản sắc dân tộc.
Ảnh: Abel Gashaw
Vào ngày 11/9 tới đây, khi cả thế giới đã đi được 2/3 năm 2024, thì những người dân Ethiopia mới đón chào ngày đầu tiên của năm mới, năm 2017, tính theo lịch riêng của họ.
Được biết, đây được coi là truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước của đất nước Ethiopia, minh chứng cho ý thức vững chắc về bản sắc dân tộc của quốc gia này. Tại Ethiopia, năm sinh của Chúa Giêsu Kitô được công nhận muộn hơn bảy hoặc tám năm so với lịch Gregorian, hay lịch “phương Tây”, do Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra vào năm 1582.
Theo các chuyên gia, Nhà thờ La Mã đã điều chỉnh cách tính của mình vào năm 500 CN, trong khi Nhà thờ Chính thống Ethiopia chọn cách giữ nguyên niên đại cổ xưa. Eshetu Getachew, Giám đốc điều hành của Rotate Ethiopia Tours And Travel cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ bị thuộc địa hóa. Chúng tôi có lịch riêng, bảng chữ cái riêng và truyền thống văn hóa của riêng mình”.
Được cho là có niên đại ít nhất 1.500 năm trước, Lịch Ethiopia có nhiều điểm tương đồng với lịch Coptic của Nhà thờ Chính thống Coptic ở Alexandria, một nhà thờ Cơ đốc giáo Chính thống phương Đông có trụ sở tại Ai Cập. Theo hệ mặt trời – mặt trăng, lịch Ethiopia dài 13 tháng, trong đó 12 tháng kéo dài 30 ngày. Tháng cuối cùng chỉ có năm ngày, hoặc sáu ngày trong năm nhuận.
Nguồn: vtv.vn