Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa đưa ra nhận định rằng, căng thẳng về nguồn nước đang gia tăng đang đặt ra rủi ro lớn đối với sức mạnh về xếp hạng tín nhiệm nhà nước của Ấn Độ.
Báo cáo mới nhất của Moody’s cho biết sự phụ thuộc lớn của Ấn Độ vào lượng mưa trong mùa gió mùa, cùng với tăng trưởng kinh tế nhanh và những tác động trầm trọng của biến đổi khí hậu, có thể gây ra những tác động lớn trong một số ngành kinh tế, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp và hạ tầng.
Ấn Độ, với dân số hơn 1,4 tỷ người và dự báo sẽ đạt mốc 1,51 tỷ vào năm 2030, đang đối mặt với với thách thức lớn khi tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ, hiện nay, lượng nước tiêu thụ bình quân đầu người hàng năm tại nước này ở mức 1.486 mét khối, con số này dự kiến sẽ giảm mạnh xuống còn 1.367 mét khối vào năm 2031. Sự suy giảm này là đáng báo động, vì bất kỳ mức tiêu thụ nước nào ở dưới 1.700 mét khối đều cho thấy tình trạng căng thẳng về nước, trong đó 1.000 mét khối đánh dấu ngưỡng khan hiếm nước.
Báo cáo của Moody’s nhấn mạnh rằng hậu quả kinh tế của việc suy giảm tài nguyên nước là rất sâu sắc. Nguồn cung cấp nước giảm sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, dẫn đến nguy cơ lạm phát về giá lương thực và giảm thu nhập của các doanh nghiệp và cộng đồng bị ảnh hưởng. Các cơ sở nhiệt điện than và sản xuất thép, vốn sử dụng nhiều nước trong quá trình sản xuất, đặc biệt dễ bị tổn thương, cản trở hoạt động, làm giảm doanh th. Tác động của biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm những thách thức này do nhiệt độ tăng cao và lượng mưa thất thường ngày càng phổ biến.
Những hiện tượng khắc nghiệt gần đây, chẳng hạn như nhiệt độ tăng vọt lên tới 50 độ C ở thủ đô New Delhi và các bang miền Bắc Ấn Độ, cho thấy việc khan hiếm nước đang trở nên trầm trọng.
Ngoài ra, các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt – thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ đã làm hư hỏng cơ sở hạ tầng cấp nước quan trọng, đặt ra thách thức với việc giải quyết bài toán về nước. Chỉ riêng năm 2023, Ấn Độ đã chứng kiến lượng mưa trong mùa gió mùa giảm 6% so với mức trung bình được ghi nhận từ năm 1971 đến năm 2020. Đây là bằng chứng cho thấy sự bấp bênh của loại tài nguyên này.
Nguồn: vov.vn