Bình ổn giá cả hàng hoá, tránh lạm phát

Giá xăng dầu đã tăng 3 lần liên tiếp, ở kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không thực hiện trích lập quỹ bình ổn gia xăng dầu với dầu, đồng thời tiếp tục không chi sử dụng quỹ bình ổn giá với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ xăng RON 95-III ở mức 544 đồng/lít, lên 23.010 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 tăng 506 đồng/lít, lên 22.014 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 329 đồng/lít, lên 20.689 đồng/lít. Giá dầu hỏa bán lẻ tăng 258 đồng/lít, lên mức 20.614 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng 233 đồng/kg, 17.446 đồng/kg.

Ở kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không thực hiện trích lập quỹ bình ổn gia xăng dầu với dầu, đồng thời tiếp tục không chi sử dụng quỹ bình ổn giá với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 15 lần tăng, 11 lần giảm.

Xung quanh câu chuyện này, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại việc giá xăng dầu liên tục tăng trong giai đoạn hiện nay công thêm giá cả các loại hàng hoá khác sẽ tăng theo lương, điều này sẽ gây những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của các chính sách kích cầu khác.

Cụ thể, từ ngày 1/7 tới đây, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tức tăng khoảng 30%). Đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập nước cho đến nay. Tuy nhiên cũng từ đây, nhiều người lại canh cánh nỗi lo giá cả hàng hóa cũng tiếp tục tăng theo tiền lương, áp lực gia tăng lạm phát đang hiện hữu.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên về vấn đề này, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ lo ngại việc giá xăng đang vượt mức 23.000 đồng/lít và có thể lên 24.000 – 25.000 đồng/lít trong bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang tại Trung Đông, Đông Âu… Ở chiều ngược lại, sức mua của người dân vẫn còn rất yếu, dù đang trong mùa mua sắm, đi chơi hội hè.

Từ đầu kỳ nghỉ hè, thường các địa phương tổ chức tháng khuyến mại, giảm giá hàng hóa rất rầm rộ, mục đích kích cầu. Từ ngày 1/7 tới, lương tăng, thuế giá trị gia tăng tiếp tục giảm… Mọi chính sách đang hướng đến việc kích cầu ở mức cao nhất, khuyến khích người dân mở hầu bao chi tiêu, du lịch, đi lại… Thế nhưng, nếu không kiểm soát giá xăng, ảnh hưởng đến giá cước thì khó kích cầu du lịch. Chưa kể dầu liên quan đến chi phí đầu vào trong sản xuất và nếu tăng sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa bị áp lực theo. Như vậy, vô hình trung chính giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến hiệu quả các chính sách kích cầu khác“, chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.

Theo ông Phú, nếu cứ để giá xăng dầu tăng cao, sẽ khiến sản xuất trong nước khó khăn ảnh hưởng đến giá thành, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh sức mua còn yếu, nếu để nhà sản xuất vì áp lực đầu vào tăng mà phải tăng giá bán thì không ổn. Lương chưa tăng nhưng trong tháng 6 đã có một số hàng hóa tăng giá bán, cộng thêm giá xăng dầu tăng liên tục khiến áp lực giá cả hàng hóa từ tháng 7 sẽ vô cùng lớn.

Vì vậy, đã đến lúc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá cả hàng hóa nói chung, tránh lạm phát có thể căng thẳng từ tháng 7 – 8, sau khi lương tăng”, ông Phú nói.

Bình ổn giá cả hàng hoá, tránh lạm phát

Chuyên gia cho rằng đã đến lúc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để bình ổn giá cả hàng hóa nói chung, tránh lạm phát có thể căng thẳng từ tháng 7-8, sau khi lương tăng. Ảnh minh hoạ

Cũng nêu quan điểm về một số giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Cục giá của Bộ Tài chính cùng với Tổng cục quản lý thị trường của Bộ Công thương phải rà soát đầu ra, đầu vào giá thành của những mặt hàng thiết yếu để xem giá thành thế nào, giá bán ra sao, có tăng hay không và tăng có hợp lý không, rất quan trọng vì nó ảnh hưởng ngay đến đời sống cũng như mặt bằng giá.

Bên cạnh đó, các Cục quản lý thị trường cùng các đội quản lý thị trường phải cùng với chính quyền kiểm tra đầy đủ các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh việc tăng giá cả, đảm bảo niêm yết giá và tăng giá phù hợp.

Đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện nước, dịch vụ y tế, giáo dục…nếu có việc tăng giá điện hay tăng giá các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo thì cũng phải xem mức tăng có phù hợp và phải có thời gian giãn cách để không tạo ra những cú sốc về giá.

Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, liên tục trước và sau khi tăng lương. Quan trọng nhất là nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nào tăng giá bất hợp lý thì phải có chế tài xử lý nghiêm”, ông Thịnh nói.

Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Lê Thị Tuyết Nhung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.

Bà Nhung cho hay, tại phiên họp Ban Chỉ đạo đạo điều hành giá mới đây, Bộ Tài chính cũng xem xét bối cảnh, chủ động đưa ra dự báo, tính toán cập nhật một số kịch bản lạm phát, đồng thời đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện trong nửa năm cuối.

Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu.

Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị. Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường”, bà Nhung cho biết.