VTV.vn – 168.000 tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ làm thủ tục tại nhà hỗ trợ người dân khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sáng 2/7, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.
Hội thảo phục vụ xây dựng đề án tổng kết chỉ thị 40 năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Giúp tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn
Tuy nhiên theo ông Sơn, bối cảnh, tình hình quốc tế hiện tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Điều này đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội và đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng nhấn mạnh mô hình tín dụng chính sách xã hội là mô hình chỉ có tại Việt Nam và khi thành lập ngân hàng nhiều tổ chức quốc tế cũng băn khoăn.
Vì nguyên tắc thị trường, một tổ chức tín dụng cho vay lãi suất dương, đi vay để cho vay, nhưng chúng ta cho vay lãi suất âm. Theo ông Thắng, có thời điểm ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ 6% trong khi huy động thị trường lên tới 12-14%
“Ở đây, chúng ta đã vận dụng chính sách tài khóa và tín dụng. Cùng với đó, huy động nguồn lực thấp nhất, rẻ nhất, thậm chí không trả lãi. Hiện hơn 46.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương không phải trả lãi – tức lãi suất đầu vào bằng 0. Trong hai năm vừa qua, Ngân hàng không cần cấp bù từ ngân sách Nhà nước mà vẫn có thể hỗ trợ được người dân”, ông Thắng cho biết.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng
Cũng theo ông Thắng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng được kênh tín dụng đặc biệt gần dân, sát gân, Tất cả các quy trình, hồ sơ thủ tục thực hiện tại nhà. Theo đó, 168.000 tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ làm việc tại nhà với người dân. Người dân chỉ đến xã nhận tiền vay và trả lại gốc tại 10.426 điểm giao dịch tại cố định hàng tháng
“Một mô hình gần dân, sát dân, vì dân, tiết kiệm chi phí tối đa cho người dân. Điều này giúp gói hỗ trợ chính sách được triển khai nhanh chóng”, ông Thắng nhấn mạnh thêm.
Cho vay lãi ưu đãi nhưng tỷ lệ nợ xấu rất thấp
Nói thêm về mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết nhiều quốc gia Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia… cũng cho ngân hàng chính sách xã hội cho người nghèo. Nhưng điểm đặc biệt trong mô hình của Ngân hàng Chính sách xã hội của Việt Nam là sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ trung ương, xuống đến cấp tỉnh xuống đến cấp huyện xã.
Theo ông Tú, đây cũng là một trong những yếu tố giúp mô hình hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội thành công. Và cũng là yếu tố giúp tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng bao giờ cũng ở dưới 1%, trong khi nhiều ngân hàng thương mại với cơ chế quản trị phức tạp, dày đặc có tỷ lệ nợ xấu lên đến 3-4%.
“Tại sao Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay không bị mất vốn, nợ xấu lại rất thấp? Hiệu quả của ngân hàng xuất phát từ bản chất mô hình cả hệ thống chính trị tham gia ngân hàng từ hội đồng quản trị cho đến ban điều hành các cấp”, Phó Thống đốc cho biết.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Điểm đặc biệt tiếp theo là ngân hàng không hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nhưng không được để mất vốn ngân sách và vốn huy động, không để mất an toàn. Điều này đặt ra yêu cầu vận hành đặc thù so với các ngân hàng khác.
Bên cạnh đó Ngân hàng Chính sách xã hội còn đảm nhiệm nhiệm vụ chính sách xã hội phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia song không thoát ly khỏi mục tiêu hiệu quả kinh tế, không thể thoát ly nền tảng của một tổ chức định chế tài chính. Cho vay những vẫn phải bảo tồn nguồn vốn, tính đến hiệu quả…
Người nghèo ở rất gần tín dụng đen
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thời gian qua song Phó Thống đốc cho rằng ngân hàng không thể dậm chân tại chỗ với mô hình hiện nay. Nhất là khi cơ chế hoạt động, quản trị, mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được luật hoá trong một chương tại Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Về phương hướng hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần phải xác định rõ nhu cầu vốn, nguồn lực tín dụng hiện nay. Đây là vấn đề đang bất cập. Ví dụ vay mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay với lãi suất thấp nhưng nguồn lực hạn chế song nhu cầu thì rất cao.
Bên cạnh đó, nhu cầu mở rộng các chương trình cho vay ở Trung ương, bộ ngành, địa phương là rất lớn. Song nguồn lực của Ngân hàng Chính sách xã hội không được tăng lên một cách tương ứng cả về mô hình tổ chức, con người, bộ máy, cơ chế tài chính. Theo Phó Thống đốc, đây là điều bất cập cần được giải quyết sớm.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú Ngân hàng Chính sách xã hội cần giải bài toán giữa nhu cầu vốn và nguồn lực tín dụng
Ông Tú cũng cho rằng, cơ chế hoạt động của tín dụng chính sách và tín dụng thương mại hiện phải có sự phối hợp. Nếu không việc giải quyết hiệu quả đói nghèo một cách bền vững là không cao.
“Ví dụ cho vay người nghèo thì đến một giải đoạn phải hết nghèo. Hết nghèo thì làm sao phải giải quyết cho người ta thoát nghèo bền vững. Nếu không sẽ quay lại đói nghèo”, ông Tú cho biết.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đang vừa cho vay tiêu dùng, vừa cho vay sản xuất kinh doanh. Theo ông Tú, cần phải đánh giá cái nào hiệu quả, cái nào cần thiết hơn, cái nào cần tập trung nhiều hơn.
“Cho vay tiêu dùng đối với người nghèo là vô cùng quan trọng, bởi nếu không có cho vay tiêu dùng thì người nghèo sẽ ở rất gần với tín dụng đen. Khi người nghèo cần tiền đi chữa bệnh, cần vài triệu hay vài chục triệu mà không vay được thì rất nhiều người sẽ nghĩ đến tín dụng đen”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lấy ví dụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!