Thực hiện Quy hoạch vùng, kinh tế xã hội đồng bằng sông Cửu Long từng bước phát triển bền vững, khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu nông sản hàng đầu.
Ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4.
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long là quy hoạch vùng được ban hành sớm nhất cả nước. Với 363 chương trình, dự án của quy hoạch được xác định đều là những dự án lớn, quan trọng, có tính chất dẫn dắt, có tác dụng lan tỏa sẽ ưu tiên tập trung đầu tư trước, dứt điểm và đưa vào sử dụng để “làm mồi” dẫn thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong đó, hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chính.
Quy hoạch vùng đã định hướng từng bước thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa là chính sang mô hình thủy sản – trái cây – lúa gạo nhằm tăng giá trị và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đi cùng với đó là nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Trên cơ sở đó, những khó khăn, vướng mắc của vùng được tháo gỡ góp phần tạo thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới. Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước, mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới toàn vùng.
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng đã chủ động liên kết, kết nối để khai thác tiềm năng, lợi thế của mình với phương châm “không thể đi xa nếu không đi cùng nhau”. Vì vậy, dù thời gian triển khai Quy hoạch chưa dài song kết quả đạt được khá khả quan.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng trên kinh tế; cao gấp gần 1,3 lần so bình quân chung cả nước. Môi trường kinh doanh được cải thiện, 8/13 địa phương trong vùng nằm trong nhóm 30 các địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất. Trong đó, Long An là địa phương bứt phá mạnh mẽ, đứng thứ 2 về chỉ số PCI năm 2023 (sau Quảng Ninh).
Về cơ bản, kinh tế xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; đồng bằng sông Cửu Long đã khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc điều phối, phát triển vùng gặp một số hạn chế. Đó là, liên kết hợp tác chưa đi vào chiều sâu, chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp vùng chưa phát triển đồng bộ; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp trong khi chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có tính dài hạn, nguồn lực thực hiện chính sách dựa nhiều vào ngân sách trung ương mà nguồn vốn này còn khó khăn. Hiện một số dự án cao tốc, quốc lộ quan trọng, liên kết vùng gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại một số đoạn; nguồn vật liệu cát đắp nền đường khan hiếm do nhu cầu rất lớn trong khi thủ tục mở các mỏ cát mới rất chậm, khó đáp ứng được tiến độ dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp với các bộ có liên quan sớm có hướng dẫn trong vật liệu cát thay thế hoặc hoàn thiện thủ tục mở các mỏ cát mới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn