Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm được rút ra từ đại dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thông qua “Kế hoạch hành động” mới nhằm kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong tương lai.
Ngày 2/7, sau cuộc họp Nội các, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thông qua việc sửa đổi “Kế hoạch hành động” mới nhằm kiểm soát đối với các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong tương lai, dựa trên những bài học kinh nghiệm được rút ra từ đại dịch Covid-19.
Theo kế hoạch mới này, trong trường hợp hệ thống dịch vụ y tế có nguy cơ bị quá tải do dịch bệnh lây lan nhanh chóng, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm ban bố tình trạng khẩn cấp ngay cả ở giai đoạn “tiền dịch bệnh”, tức thời điểm lĩnh vực y tế chưa “nhận thức đầy đủ” về dịch bệnh, tính toán rõ ràng đến những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với cuộc sống của người dân, đồng thời thực hiện các biện pháp ở mức cần thiết tối thiểu. Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch vận hành và áp dụng từng biện pháp này một cách linh hoạt, theo từng thời điểm, giai đoạn và đối với từng khu vực cụ thể, đảm bảo sự phù hợp và phát huy hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, để giải quyết những lo ngại về khả năng đảm bảo an toàn và tính hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin, kế hoạch sửa đổi này cũng nhấn mạnh việc tích cực chia sẻ thông tin đối với người dân về tính chất, tần suất, khả năng gây ra các tác dụng phụ, các trường hợp nghi ngờ có tác dụng phụ… Vấn đề chia sẻ thông tin về việc tiêm chủng cũng sẽ được thực hiện ngay ở giai đoạn chưa đủ kiến thức khoa học, đồng thời có tính toán tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Kế hoạch mới cũng kêu gọi các cơ quan, ban ngành, các địa phương của Nhật Bản về sự cần thiết phải tăng cường khả năng sẵn sàng mọi biện pháp nhằm ứng phó với các loại dịch bệnh mới có thể xảy ra trong tương lai, thậm chí ngay cả trong thời gian bình thường – tức thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh, chẳng hạn như vấn đề cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, dự trữ các vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết, như khẩu trang, cồn sát khuẩn…
Chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định sẽ hỗ trợ chính quyền các địa phương xây dựng giải pháp cụ thể dựa trên cơ sở các nội dung của “Kế hoạch hành động” mới này, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. “Kế hoạch hành động” đối phó với bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản trước đây được đánh giá chủ yếu tập trung vào các chủng cúm mới, thiếu sự “chuẩn bị cần thiết và kịp thời”, nên khi xảy ra đại dịch, chẳng hạn như Covid-19, khiến các dịch vụ y tế bị lúng túng, bất ngờ.
Nguồn: vov.vn