Quân đội Ukraine đang căng mình chống lại các đợt tấn công của Nga trên tiền tuyến, trong bối cảnh nguồn viện trợ phương Tây vẫn đang “nhỏ giọt” và Moscow liên tục gây sức ép lên lực lượng Ukraine trên nhiều mặt trận.
Ukraine căng mình chống lại các đợt tấn công của Nga trên tiền tuyến
Trả lời phỏng vấn tờ Newsweek hồi cuối tháng 5, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov khẳng định không có bất cứ thảo luận nào về việc “đóng băng xung đột” ở Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin “cũng không nói điều nào như vậy”. Ông Antonov cũng nhắc đến khả năng người đứng đầu Điện Kremlin sẽ tiếp tục hướng đi như hiện nay, cho đến khi đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Tận dụng lợi thế về hỏa lực trong bối cảnh viện trợ của Mỹ bị trì hoãn, Nga liên tiếp mở các cuộc tấn công nhằm chọc thủng phòng tuyến kéo dài 1.000 km của Ukraine. Các đơn vị Moscow đang nỗ lực thăm dò điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine, tạo tiền đề cho một cuộc tấn công lớn sắp tới.
Bước tiến của quân Nga có vẻ chậm lại, nhưng vẫn chưa biến mất gần thành phố lớn thứ hai của Ukraine – Kharkov, mặc dù các lực lượng Kiev đã liên tục tăng cường quân lực tại khu vực này và nhận được quyền khai hỏa vũ khí Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng đạt được một số thắng lợi nhỏ tại thành phố Donetsk và những khu vực xung quanh thị trấn chiến lược Chasov Yar – một cửa ngõ dẫn vào Donetsk.
Đầu tháng 7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã kiểm soát hai ngôi làng ở miền Đông Ukraine, trong đó có khu định cư Stepova Novoselivka ở vùng Kharkov và Novopokrovske ở vùng Donetsk.
Theo chuyên gia quân sự Michael Kofman thuộc Quỹ Carnegie, hiện nay, Ukraine đang dần ổn định tiền được tình hình tiền tuyến, nhưng “sự ổn định này được tạo nên bằng cách chuyển lực lượng từ khu vực khác tới”, nên sẽ khó kéo dài.
Tờ The Guardian đưa tin, hôm 2/7, Ukraine thông báo đã tạm tha hơn 3.000 tù nhân và bàn giao cho các đơn vị quân đội, trong bối cảnh tiền tuyến nước này đang thiếu nhân lực nghiệm trọng.
Chuyên gia quân sự Jack Watling thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia cho biết, bằng cách buộc lực lượng Ukraine dàn mỏng trên một mặt trận rộng, Nga đang khắc phục được những hạn chế của quân đội nước này về quy mô cũng như số lượng binh sĩ được đào tạo để tiến hành các cuộc tấn công lớn.
“Mục đích của Nga không phải là đạt được bước đột phá lớn mà là phô trương với Ukraine rằng họ có thể duy trì các đợt tiến công lớn, cho đến khi tìm ra điểm yếu và chọc thủng điểm yếu trong hàng phòng thủ của Kiev”, ông Watling nói, đồng thời cho rằng “sẽ mất nhiều thời gian để Ukraine giành được thế chủ động, sau khi Nga đang dần thích ứng với các vũ khí phương Tây trên chiến trường”.
Thế khó về tài chính của Ukraine
Chuyên gia Watling cũng cho biết tình trạng khó khăn về tài chính khiến Ukraine phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa việc đầu tư tài chính cho để nâng cấp các cơ sở hạ tầng quan trọng, hay đầu tư cho các lực lượng đóng tại tiền tuyến nhằm chống lại các đợt tấn công dồn dập của Nga. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nước này đã mất khoảng 80% sản lượng nhiệt điện và 1/3 sản lượng thủy điện vì các cuộc không kích của Nga.
“Các đợt tấn công dai dẳng của Nga không chỉ khiến mặt trận bị kéo căng trên tiền tuyến mà còn bị mở rộng về chiều sâu”, ông Watling cho biết.
Nền kinh tế Ukraine đang “oằn mình” chống đỡ khoản chi phí quốc phòng lớn trong hơn 2 năm giao tranh với Nga, ước tính thiệt hại lên tới 44 tỷ USD.
Khi cuộc xung đột nổ ra hồi đầu năm 2022, các nhà đầu tư tư nhân đã đồng ý “đóng băng” các khoản trả nợ của Ukraine, tuy nhiên, các thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 8 tới. Cả Ukraine và các chủ nợ đều đang chạy đua với thời gian để giải quyết những khoản “đóng băng này” nhằm tránh vỡ nợ vào phút chót.
Hiện tại, Ukraine đang yêu cầu giảm 40% khoản nợ, tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ sẵn sàng chịu lỗ 20%. Theo tờ The Conversation, Ukraine đang trên bờ vực vỡ nợ gần 460 tỷ USD.
Ukraine đã nhận tin tốt sau khi Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD vào cuối tháng 4, trong Anh cũng đồng ý trao cho Kiev một gói viện trợ khác trị giá hơn 3 tỷ bảng Anh. Mới đây, nhóm G7 (bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ) đã đồng ý cho Kiev sử dụng khối tài sản bị đóng băng của Nga tại các ngân hàng châu Âu để phục vụ cho các hoạt động quân sự trên tiền tuyến.
Tuy nhiên, theo ông Kofman, trong bối cảnh viện trợ phương Tây vẫn đnag “nhỏ giọt”, Ukraine vẫn phải tìm cách phải cân bằng giữa chi phí quốc phòng hiện nay với các khoản chi cho việc phục hồi nền kinh tế trong nước, đặc biệt là nền kinh tế hậu chiến.
Mối đe dọa trên mặt trận chính trị
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết NATO đã “sai lầm” khi cho rằng Nga sẽ không sử dụng kho vũ khí hạt nhân, đồng thời tái khẳng định sẽ sử dụng “mọi biện pháp cần thiết nếu “chủ quyền và lãnh thổ Nga bị đe dọa”.
Ông Putin cũng cảnh báo rằng Moscow đang cân nhắc những thay đổi trong học thuyết hạt nhân giữa bối cảnh chiến trường Ukraine có sự xuất hiện của ngày càng nhiều vũ khí phương Tây. Tháng trước, Nga đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự với vũ khí hạt nhân chiến thuật có sự tham gia của quân đội Belarus. Năm ngoái, Moscow đã triển khai một số vũ khí đó đến Belarus.
Các nhà bình luận Nga đã chỉ trích ông Putin vì không phản ứng mạnh mẽ trước việc NATO tăng cường hỗ trợ cho Kiev và cho phép phương Tây liên tục đẩy lùi các ranh giới đỏ của Nga. Ông Vasily Kashin, một nhà phân tích quốc phòng tại Moscow, cho rằng người đứng đầu Điện Kremlin sẽ “phải làm gì đó nếu có các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga gây ra thương vong đáng kể cho quân đội Moscow”.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng không loại trừ khả năng “sẽ cung cấp vũ khí cho các đối thủ phương Tây”. Tổng thống Putin đã hiện thực hóa khả năng này bằng cách ký hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên vào tháng 6, mở cửa cho việc cung cấp vũ khí cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận khác lại cho rằng hành động như vậy tiềm ẩn nguy cơ gây ra xung đột trực tiếp với NATO và không phù hợp với lợi ích của Moscow.
Nhà phân tích an ninh Sergei Poletaev tại Moscow cho biết Điện Kremlin muốn “dần dần rút cạn nguồn tài nguyên của Ukraine” để buộc Kiev phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình theo các điều khoản của Nga. Các điều khoản này bao gồm việc Ukraine công nhận chủ quyền đối với 4 khu vực Ukraine được sáp nhận vào Nga hồi năm 2022 và từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO.
Ông Poletaev cho biết trong một bài bình luận rằng lợi thế quân sự của Moscow cho phép họ “duy trì áp lực trên toàn bộ tiền tuyến và đạt được những bước tiến mới trong khi chờ đợi Ukraine kiệt quệ”.
Dù viễn cảnh nào xảy ra, Ukraine cũng sẽ phải tiếp tục gồng mình chống lại các đợt tấn công tiếp theo của Nga trên chiến trường, trong bối cảnh những mục tiêu chiến lược như Chasov Yar và Kharkov vẫn chưa về tay Nga.
Nguồn: vov.vn