Bài học từ chiến lược AI của Apple

Apple hé lộ dự án “Apple Intelligence”

Không quá khi nói rằng AI đang ở giai đoạn cực thịnh. OpenAI ra mắt ChatGPT được 1.5 năm và khiến thế giới điên đảo. Apple, ông lớn từng không quan tâm AI, cuối cùng cũng hé lộ dự án “Apple Intelligence” trong hội nghị hồi tháng 6.

Trước cơn sóng AI, các doanh nghiệp có nhiều phản ứng khác nhau, chủ yếu chia ra 3 chiều hướng.

Chiều hướng thứ nhất: trì hoãn. Các doanh nghiệp biết rằng AI quan trọng, nhưng họ không xem đó là thứ cấp thiết nhất, từ đó không đầu tư. Có người đưa ra các lo ngại về quyền riêng tư và sở hữu trí tuệ để không áp dụng AI. Tâm lý này khá tương đồng với tâm lý e ngại của những nhà bán lẻ trước mô hình TMĐT vào những ngày đầu internet phát triển. Điều này đã giúp Amazon chớp thời cơ và có khởi đầu thuận lợi.

Chiều hướng thứ hai: bình thường. Ở đó, các doanh nghiệp quan tâm đến AI và thực hiện một số hành động nào đó, nhưng lại không có kế hoạch cụ thể, chẳng hạn chỉ đơn giản là thêm chatbot vào website. Dĩ nhiên đây không phải ý tưởng tồi. Thế nhưng chúng khá phiền nhiễu và không đem đến lợi ích thực sự cho doanh nghiệp.

Chiều hướng thứ ba: đặt cược tất cả vào AI. Các doanh nghiệp theo kiểu này thường đầu tư gần như mọi nguồn lực vào AI, đến mức không quan tâm đến những dự án khác. Chiến lược này rất có hại đối với sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Còn với Apple, ông lớn này không đi theo cả 3 chiều hướng như trên. Họ bước vào lĩnh vực AI và làm đúng những điều quan trọng: phát huy được thế mạnh và giải quyết được khó khăn. Chiến lược ấy có thể là bài học quý giá dành cho các doanh nghiệp đang loay hoay trong thời đại AI.

Phát huy thế mạnh

Bài học từ chiến lược AI của Apple

Apple tích hợp AI của mình vào MacOS và iOS

Apple không đi theo con đường của Microsoft hay Google trong lĩnh vực AI. Thay vào đó, họ tận dụng những thế mạnh của mình để tạo nên cách tiếp cận độc đáo.

Ưu thế đầu tiên là Apple có nhiều thiết bị hơn những bên khác. Vậy nên họ tích hợp AI của mình vào MacOS và iOS, để người dùng iPhone, iPad lẫn Macbook đều có thể sử dụng liền mạch trên nhiều thiết bị.

Thứ hai, Apple có thế mạnh trong việc tạo ra trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Vậy nên với AI, mục tiêu của họ là AI phục vụ với nội dung được cá nhân hóa cho từng người dùng. Ở đó, AI có thể tóm tắt và sắp xếp độ ưu tiên của tin nhắn, hoặc có chức năng viết lại email hoặc các văn bản khác. Những tính năng này giúp người tiêu dùng đại chúng có thể tiếp cận nhanh hơn, không đòi hỏi phải biết quá nhiều về công nghệ.

Thứ ba, Apple sở hữu hệ thống phần cứng rất tốt, bao gồm CPU của riêng họ. Vậy nên với các tính năng AI mới, Apple tận dụng luôn con chip trước đó, trước tiên là tích hợp trên các thiết bị cục bộ, sau đó sẽ tích hợp trên dịch vụ đám mây độc quyền do Apple xử lý. Điều này giúp Apple có toàn quyền kiểm soát, không phụ thuộc vào những nhà sản xuất chip AI (chẳng hạn Nvidia).

Thứ tư, và có thể là quan trọng nhất, trong những năm gần đây, Apple là công ty công nghệ hiếm hoi tạo được cảm giác họ quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng. Trong buổi ra mắt Apple Intelligence, phần lớn bài thuyết trình dành để giải thích cách thức các phiên bản AI của Apple bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng. Cụ thể, phần lớn các quá trình xử lý sẽ được hoàn thiện trên thiết bị.

Bài học: Các công ty nên dành thời gian để xác định những điểm mạnh và khả năng của bản thân và tận dụng chúng trong chiến lược AI của mình.

Giải quyết các thách thức

Không chỉ tận dụng các điểm mạnh nổi trội, chiến lược AI của Apple còn có thể giải quyết những thách thức quan trọng đối với doanh nghiệp.

Một trong những thách thức lớn nhất mà Apple đang đối mặt là doanh số iPhone sụt giảm. Cụ thể, doanh số iPhone đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phần lớn là vì người dùng nhận thấy chưa có lý do chính đáng để lên đời máy. Chẳng hạn iPhone 15 có camera ngon, nhưng camera trên iPhone 14 và 13 cũng xịn chẳng kém. Trong khi đó, tính năng AI mới của Apple được xử lý ngay trên chính thiết bị. Vậy nên nếu không lên đời máy mới, người dùng không thể dùng được. Và đó có thể động lực để người dùng bỏ tiền mua.

Một thách thức khiến Apple cũng đau đầu không kém là nỗ lực kết nối với người tiêu dùng bên ngoài màn hình. Trong nhiều năm qua, trợ lý ảo Siri của Apple hoạt động không quá hiệu quả, trong khi các đối thủ khác có những công cụ thân thiện hơn. Vậy nên với dự án AI mới này, Apple đã quyết định “cấy ghép não” AI cho Siri, cho phép nó phản hồi các lệnh và thực hiện các hành động dựa trên “bối cảnh cá nhân” của người dùng.

Thách thức thứ ba của Apple là thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực AI. Với nhiều nhà nghiên cứu, họ thích chia sẻ những gì mình khám phá được. Thế nhưng tâm lý ấy lại không phù hợp với văn hóa giữ bí mật của Apple. Vậy nên Apple đang cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách hợp tác với OpenAI và một số đơn vị khác.

Tất nhiên, thách thức lớn nhất mà Apple phải đối mặt là thị trường đại chúng. Trong một năm rưỡi vừa qua, các nhà đầu tư liên tục muốn biết Apple đang có kế hoạch thế nào. Nếu Apple ra dự án tương tự OpenAI hoặc Google, điều đó chỉ càng cho thấy Apple tụt hậu ra sao trong cuộc đua AI. Thế nhưng cuối cùng Apple vẫn khác biệt. Họ đã định nghĩa lại AI là “Apple Intelligence” và tập trung vào các giải pháp tức thời hơn (và ở quy mô nhỏ hơn), chẳng hạn hỗ trợ viết email, thay vì một con AI tổng hợp thực sự. Thế nhưng kết quả vẫn mĩ mãn, khi chỉ vài tiếng sau khi ra mắt AI, giá cổ phiếu của Apple đã đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Như vậy là, khi xây dựng chiến lược AI, doanh nghiệp cần xác định các vấn đề cần giải quyết. Đó không chỉ là những thách thức về mặt kỹ thuật, mà còn là những thách thức về mặt kinh doanh. 

Tiến vào cuộc đua

Không thể phủ nhận chiến lược AI hiện tại của Apple là đặt cược vào những gì mình có thể làm được trong tương lai. Tuy nhiên điều quan trọng là thay vì trì hoãn, làm sơ sơ hoặc tập trung hoàn toàn, họ bước vào cuộc đua với một chiến lược phù hợp, dựa trên thế mạnh và những thứ họ đang phải đương đầu. Đó cũng chính là bài học mà mọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều phải ghi nhớ.