VTV.vn – Người bệnh N.T.T. (trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) bị nổi sẩn ngứa ở cổ tay, bàn chân đã lâu, đi khám da liễu và bôi thuốc không đỡ.
Người bệnh được giới thiệu đến Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ khám. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán lao da. Sau hơn 1 tháng điều trị, người bệnh đã hết ngứa, vết thương liền sẹo.
BSCKI. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng Khoa Lao ngoài phổi cho biết: Lao da là một bệnh lao ngoài phổi có biểu hiện phong phú, thay đổi tuỳ thuộc vào độc lực, số lượng của trực khuẩn lao và sức đề kháng của cơ thể người bệnh. Nếu không chú ý phát hiện và điều trị sớm, lao da sẽ lan dần ra những vùng khác vừa gây mất thẩm mỹ vừa gây khó chịu, rát ngứa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt thường ngày.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh lao da khá đa dạng: nốt sần, sần viêm, loét da mãn tính… và các tổn thương khác. Biến thể của bệnh lao da cũng có thể được phân loại tùy theo số lượng vi khuẩn trên da của người bệnh.
Theo BSCKI. Nguyễn Thị Hoàng Yến, điều trị lao da không chỉ chú trọng vào việc điều trị các tổn thương ngoài da mà còn phải kiên trì kết hợp với các loại thuốc kháng lao. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nhưng người bệnh vẫn phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi hay dừng thuốc.
Lao da tuy là bệnh lý hiếm gặp nhưng một khi đã nhiễm bệnh sẽ để lại những hệ quả hết sức nguy hiểm. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường, người dân nên đi khám sớm để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để phòng ngừa lao và các bệnh lao ngoài phổi, người dân cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng; tập thể dục đều đặn nhằm tăng cường sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh lao, nếu có biểu hiện bất thường trên da hay các cơ quan khác trên cơ thể nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!