Khi lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1.7 thì mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cũng tăng lên.
Theo đó, từ ngày 1.7, tăng lương cơ sở (áp dụng đối với người làm cho nhà nước) lên 30%, cụ thể tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 540.000 đồng).
Đồng thời, tăng lương tối thiểu vùng từ 4,68 triệu đồng lên 4,96 triệu đồng (vùng I); từ 4,16 triệu đồng lên 4,41 triệu đồng (vùng II); từ 3,64 triệu đồng lên 3,86 triệu đồng (vùng III) và từ 3,25 triệu đồng lên 3,45 triệu đồng (vùng IV).
Mức đóng các khoản bảo hiểm
Khi mức lương thay đổi thì các khoản đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp được điều chỉnh theo.
Theo quy định hiện hành, người lao động làm cho cơ quan nhà nước sẽ có tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có); người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở. Còn người lao động làm cho các đơn vị tư nhân thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và các phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Dựa trên căn cứ tiền lương tháng đóng BHXH sẽ cho ra được các khoản tiền đóng bảo hiểm bắt buộc. Năm 2024, tỷ lệ đóng là 32%, trong đó người lao động đóng 10,5% (gồm 8% vào quỹ hưu trí; 1% bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% BHYT); người sử dụng lao động đóng 21,5% (gồm 14% cho chế độ hưu trí, 3% cho chế độ ốm đau – thai sản, 0,5% chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; 1% bảo hiểm thất nghiệp và 3% BHYT).
Lưu ý, mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức = 20 x 2,34 triệu đồng = 46,8 triệu đồng/tháng và thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng. Ví dụ, tại TP.HCM, mức đóng thấp nhất ở vùng I (các quận, huyện, TP.Thủ Đức, trừ H.Cần Giờ) là 4,96 triệu đồng/tháng và ở vùng II (H.Cần Giờ) là 4,41 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng. Ví dụ, tại TP.HCM, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 99,2 triệu đồng/tháng (vùng I) và ở vùng II là 88,2 triệu đồng/tháng.
Mức đóng BHXH tự nguyện
Ngoài BHXH bắt buộc, nhà nước còn tổ chức loại hình BHXH tự nguyện. Theo quy định hiện nay, người lao động tham gia BHXH tự nguyện (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất) hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng mà người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện sẽ:
- Thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng.
- Cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức = 20 x 2,34 triệu đồng = 46,8 triệu đồng đồng.
Theo BHXH TP.HCM, mức nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm. Mức hỗ trợ cụ thể đối với:
- Hộ nghèo (30%): 1,5 triệu đồng x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.
- Hộ cận nghèo (25%): 1,5 triệu đồng x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.
- Người tham gia khác (10%): 1,5 triệu đồng x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.
BHXH TP.HCM cho hay cơ quan BHXH sẽ tự điều chỉnh mức lương cao nhất tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đối với người tham gia đã kê khai đúng mức lương và phụ cấp lương trên hợp đồng lao động; các doanh nghiệp, đơn vị không phải nộp hồ sơ.
Trường hợp đơn vị chưa kê khai đúng mức lương và phụ cấp lương trên hợp đồng, đề nghị đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định.
Nguồn: thanhnien.vn